Cùng với đó, các thành viên APEC cũng lo lắng về việc duy trì sự tương thích của diễn đàn tại thời điểm có nhiều thách thức mang lại từ các sáng kiến khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực, sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc hay xu hướng dịch chuyển từ đa phương sang song phương của Tổng thống Donald Trump.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, có thể đây sẽ là giai đoạn khó khăn cho chủ nhà Việt nam khi phải cân bằng mối quan hệ giữa các cường quốc là thành viên của APEC. Song, giáo sư Cark Thayer không nghĩ như vậy.
"Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội tổ chức APEC 2017 để đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tới thăm chính thức Hà Nội. Đây sẽ không phải là một bài toán khó khăn đối với Việt Nam bất chấp bối cảnh Bắc Kinh và Washington đang có nhiều bất đồng xung quanh việc giải quyết mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên và giải quyết những khác biệt trong thương mại song phương", ông nhận định.
Ông Thayer cũng cho biết thêm:
"Ngoại giao của Việt Nam rất chuyên nghiệp và tinh thông trong việc giải quyết những khác biệt hay bất đồng về lợi ích vật chất giữa các cường quốc lớn. Vì vậy, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ thấy được lợi ích khi ủng hộ vai trò như một người chơi tích cực về an ninh khu vực của Việt Nam".
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã đặt ra bốn ưu tiên chính: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; hai là hội nhập kinh tế sâu rộng; ba là tăng cường cạnh tranh và sáng kiến của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và bốn là thúc đẩy an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững đối phó với biến đổi khí hậu. Mỗi lĩnh vực này đều được đưa vào các buổi thảo luận chiều sâu của các nhóm làm việc trước thềm Tuần lễ Cấp cao.
Vì vậy, theo chuyên gia Việt Nam, có thể nói, bước đột phá lớn nhất sẽ là đạt được sự đồng thuận giữa các nền kinh tế thành viên APEC để có thể cải cách quốc gia, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế cần thiết để đưa những ưu tiên trên tiến tới áp dụng đầy đủ. Mỗi quốc gia thành viên cần phải công khai cam kết đạt được những mục tiêu trên.
"Các Bộ trưởng Kinh tế APEC đã đặt ra các ưu tiên cần thiết. Việt Nam cần phải vận động hành lang để nhận được sự ủng hộ về tài chính và các lĩnh vực khác nhằm thúc đẩy sự phát triển riêng của nước mình. Cách tốt nhất để đạt được điều đó là thông qua các cuộc gặp song phương bên lề hội nghị cũng như tiếp đón lãnh đạo các nước tới thăm chính thức", ông nói.
Chuyên gia của Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, các lãnh đạo APEC cần loại bỏ chế độ bảo hộ và tăng cường cải cách bằng cách tiếp nhận thêm các tiêu chuẩn cao hơn để tạo thuận lợi cho thương mại ở thời điểm thực hiện cải cách hệ thống, ví dụ như thương mại điện tử và dịch vụ. Theo ông Thayer, Đây không phải là một điều dễ dàng. Điều này có nghĩa là cam kết mở cửa các nền kinh tế trên cơ sở các kế hoạch làm việc quốc gia với những thời hạn cụ thể.
Giáo sư Thayer nhận định, việc Việt Nam lần thứ hai đăng cai APEC cho thấy tầm quan trọng của chính sách lâu dài của Hà Nội về đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại.
Việt Nam sẽ cho thấy sự phát triển kinh tế của mình tại thành phố Đà Nẵng vào tháng 11 tới cũng như khẳng định rằng Hà Nội là một thành viên đóng góp tích cực, chủ động vào an ninh khu vực và toàn cầu. Đổi lại, Việt Nam cũng có thể thu hút sự ủng hộ nhiều hơn từ các nền kinh tế phát triển trong APEC để thúc đẩy những mục tiêu phát triển của riêng mình.
Theo: Infonet