Là thành viên trong các tổ chức đa phương, Việt Nam cũng từng tổ chức thành công các cuộc họp bộ trưởng và một số hội nghị thượng đỉnh như Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ năm 1997 và một năm sau đó tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 6. Đặc biệt, thành công tốt đẹp của Hội nghị Cấp cao APEC 2006 đã cho thấy khả năng dẫn dắt của Việt Nam, cũng như vai trò tích cực góp phần vào việc thúc đẩy tự do hóa thương mại khu vực.
Kết quả của hội nghị lần đó đã nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam và là bàn đạp ngoại giao quan trọng giúp Việt Nam ứng cử Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với tư cách là thành viên không thường trực vào cuối năm 2007. Thời điểm đó, Việt Nam là lựa chọn đồng thuận của khối châu Á làm ứng cử viên và giành được lá phiếu áp đảo trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Là chủ tịch APEC 2017, Việt Nam sẽ đóng vai trò ngoại giao trong việc thúc đẩy các mục tiêu của APEC trong một khung cảnh đa phương. Khi Việt Nam đón tiếp các chuyến thăm chính thức của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đến Hà Nội, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các mối quan hệ song phương. Bởi vì, mỗi lãnh đạo nước ngoài thăm chính thức Hà Nội sẽ thừa nhận vai trò của Việt Nam như một nhân tố quan trọng trong hòa bình và ổn định của khu vực.
Vì Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi phụ thuộc vào tiếp cận thị trường của các nền kinh tế tiên tiến, nước này có những điều kiện để xác định các trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đã nhấn mạnh cải cách cơ cấu và đổi mới trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chủ đề của APEC 2017 cũng sẽ thúc đẩy mục tiêu chung và dài hạn của APEC là xây dựng một cộng đồng hòa bình, ổn định, hội nhập và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo: TTXVN