Đề án thứ nhất được hoàn thành vào tháng 10 năm 2016, và sau một năm triển khai trên quy mô chưa lớn cũng đã mang lại thành quả minh chứng đầy thuyết phục về hiệu quả. Với đề án thứ hai, công việc có phức tạp hơn. Những giao dịch thanh toán bằng đồng rúp và VND đã được thực hiện thông qua ngân hàng Việt-Nga, nhưng vẫn dừng ở mức độ thử nghiệm. Vậy điều gì cản trở việc thực thi đề án tiền tệ của hai nước chúng ta?
Theo quan điểm của chuyên viên kinh tế Nga, GS-TSKH Vladimir Mazyrin Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga), đó là đề án tốt và cần thiết, thực sự có thể cấp xung lực năng động cho giao thương hai chiều giữa Nga và Việt Nam.
"Các công tác theo hướng này đang được xúc tiến và đạt một số kết quả. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là làm sao để đồng tiền quốc gia của nước đối tác được định giá trong giao dịch chứng khoán tiền tệ. Ở Nga hiện thời không thể tự do mua VND, tôi cũng không nghe gì về cơ hội mua Rúp trong các giao dịch ở Việt Nam. Mà thiếu điều đó thì không thể thực hiện hoạt động giao thương song phương trên bình diện tiền tệ".
GS-TSKH Mazyrin chỉ ra trở ngại thứ hai đối với đề án này là hiện tượng USD hóa đáng kể của nền kinh tế Việt Nam, ngoại thương Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào thứ ngoại tệ này. Theo nhãn quan của chuyên viên kinh tế Nga, tình huống này nếu không trực tiếp thì cũng là gián tiếp kiềm giữ chính quyền Việt Nam khiến khó tích cực chuyển đổi sang thanh toán đối lưu với Nga bằng Rúp và VND. Ngoài ra, ở đây còn có ý nghĩa trong sự ổn định của đồng tiền quốc gia. Nếu VND nhìn chung được công nhận là bình ổn so với USD, thì hiện thời lại không thể nói tương tự về Rúp. Không nghi ngờ gì, việc đạt được sự ổn định của tỷ giá đồng Rúp sẽ thúc đẩy phía Việt Nam tích cực hơn để chuyển sang thanh toán cho nhau bằng bản tệ của hai nước. Chuyên gia Mazyrin cũng tin chắc rằng xung lực kích thích quan trọng cho việc chuyển đổi này là tăng trưởng khối lượng giao lưu thương mại-kinh tế và hợp tác đầu tư giữa hai nước, và tiếp sau đó, trong điều kiện thương mại tự do của Việt Nam với Nga và các nước khác thuộc EAEU sẽ không còn vấn đề gì nữa.
Việc chuyển đổi của hai nước chúng ta trên bình diện thỏa thuận thanh toán bình đẳng trực tiếp bằng đồng tiền quốc gia của nhau thực sự là công tác quan trọng, — chuyên gia Việt Nam, TS Nguyễn Quốc Hùng, cộng tác viên khoa học làm việc tại Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á thuộc Viện Kinh tế học (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) nhận định. Trả lời phỏng vấn của Sputnik, TS Nguyễn Quốc Hùng đánh giá:
"Đề án này ngày càng có tính thời sự to lớn và bức thiết hơn trong bối cảnh Hoa Kỳ và phương Tây áp đặt trừng phạt chống Nga. Những biện pháp trừng phạt đó gây tác động tiêu cực đến việc thực thi thỏa thuận về thanh toán tiền tệ chung giữa hai nước chúng ta, kéo dài thời gian của các giao dịch một cách rõ rệt khi vẫn phải chuyển đổi qua USD. Phát huy tác dụng hỗ trợ đề án này là hệ thống thanh toán quốc gia "Mir" của Nga, đang thu hút sự quan tâm của tất cả các nước trong EAEU, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và hàng loạt quốc gia khác. "Mir" không phụ thuộc vào diễn biến công việc của hệ thống thanh toán quốc tế, do đó các ngân hàng Nga có thể đảm bảo cho khách hàng được tiếp cận với nguồn vốn của họ và thực hiện bất kỳ giao dịch bằng thẻ không hề phụ thuộc vào tình hình địa chính trị".
TS Nguyễn Quốc Hùng tin tưởng rằng theo thời gian, hệ thống thanh toán "Mir" sẽ trở thành cơ sở đáng tin cậy để thực hiện các giao dịch thanh khoản trực tiếp giữa Việt Nam và Nga bằng bản tệ quốc gia — VND và Rúp. Mong đợi và mục tiêu phấn đấu chung là điều đó sẽ trở thành hiện thực nhanh chóng hơn.