Tài sản thất thoát do tham nhũng hiện nay tỷ lệ thu hồi rất thấp. Các vụ việc khi đưa sang cơ quan xét xử, bản án có hiệu lực chuyển sang thi hành án hầu như không còn tài sản để thu hồi.
Ví dụ như vụ án Dương Chí Dũng, cơ quan thi hành án báo cáo lên là không có khả năng thu hồi tài sản. Tài sản sau khi kê biên của vụ án so với quyết định của bản án là rất ít. Đấy là cái mà người dân quan tâm.
Thậm chí có người sẵn sàng "hy sinh đời bố củng cố đời con", chấp nhận đi tù năm bảy năm để về có dăm chục tỷ, trong khi làm cả đời không được vài tỷ. Thế thì ai cũng thích tham nhũng.
Cái quan trọng nhất là cơ chế kiểm soát thu nhập, kiểm soát tài sản để có thể phòng ngừa, kể cả việc thu hồi tài sản, đó là vấn đề góc độ luật pháp quan tâm.
Luật có mở rộng thêm các đối tượng thuộc khu vực ngoài nhà nước. Ông có nhận định gì về nhóm đối tượng mới này?
Dự thảo luật định hướng mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra các đối tượng khu vực ngoài nhà nước, mới giới hạn ở các đối tượng như quỹ tín dụng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán…
Tôi còn băn khoăn về việc mở rộng này. Hiện nay, khu vực trong nhà nước chúng ta làm vẫn còn chưa tốt, can thiệp quá sâu và các hoạt động của công ty dẫn tới vi phạm quyền con người, quyền công dân trong việc tự do kinh doanh, bí mật kinh doanh.
Tôi cho rằng không cẩn thận sẽ là can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chồng lấn, chồng chéo đối với các luật chuyên ngành.
Câu chuyện đặt ra phải tính toán rất kỹ, tất nhiên nó phù hợp với công ước, với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, mở rộng ở thời điểm nào cần phải xem xét.
Hình thức đầu tư công — tư (hợp đồng đầu tư chuyển giao — xây dựng, đổi đất lấy hạ tầng) hiện đang được nhiều tỉnh áp dụng trong triển khai thực hiện các dự án. Với phương thức này, nhiều dự án được "lách luật", từ đó tạo kẽ hở cho tham nhũng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Đối với các dự án BT, theo quan điểm của tôi, các địa phương đang sử dụng hình thức này trong điều kiện vốn, ngân sách khó khăn. Hình thức này giúp các địa phương có được công trình khi các điều kiện khó khăn.
Tất nhiên, khi triển khai phải căn cứ vào pháp luật hiện hành, phải được công khai minh bạch ở các bước đấu thầu; công khai minh bạch ở các lợi suất đầu tư; công khai minh bạch ở đối tượng thụ hưởng hoặc đảm bảo quyền — lợi ích của ba, bốn bên.
Tỉnh Thái Bình đang xem xét phương án BT đối với dự án Trung tâm hội nghị tỉnh, đối ứng bằng đất để có được công trình này. Ông có ý kiến gì khi dư luận đặt nhiều câu hỏi về dự án này?
Nếu làm theo phương án BT như thế, đối với Thái Bình đây không phải là dự án triển khai lần đầu. Luật Quản lý tài sản công đã có quy định với nội dung này.
Việc đổi đất lấy công trình cần công khai từ thông tin đấu thầu; xem xét năng lực của các đơn vị tham gia dự thầu, xem xét giá trị của đất đối ứng. Nếu được công khai minh bạch, đất đối ứng được đấu giá công khai thì không có vấn đề gì cả.
Nguồn: Vietnamnet