Tổ chức xã hội cũng phải thực hiện quy định PCTN
Một nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là mở rộng phạm vi điều chỉnh dự án Luật sang khu vực ngoài nhà nước. Dự thảo Luật đã quy định theo hướng mở rộng việc áp dụng Luật PCTN đối với các tổ chức xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng được chỉnh lý để làm rõ nguyên tắc, căn cứ vào các luật có liên quan về tổ chức và hoạt động của mình (Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng và các đạo luật chuyên ngành khác), Nhà nước bắt buộc nhóm chủ thể này tự quy định và tự tổ chức thực hiện các biện pháp PCTN cho phù hợp, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc áp dụng các quy định của Luật PCTN khi có căn cứ theo quy định của pháp luật.
Đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh này và cho rằng, trên thực tế tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả PCTN trong khu vực nhà nước.
Nên làm tốt PCTN ở khu vực nhà nước trước
Đánh giá về các nội dung cụ thể của quy định PCTN trong khu vực ngoài nhà nước, cơ quan thẩm tra cho rằng, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước, tuy nhiên đối tượng áp dụng của Luật vẫn là các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước. Khái niệm "người có chức vụ, quyền hạn" về cơ bản vẫn giữ nguyên quy định của Luật hiện hành, do đó, không phù hợp với việc dự thảo Luật thay đổi, gây mâu thuẫn giữa các quy định ở phần chung với phần cụ thể.
Tránh lạm dụng thanh tra ở các DN ngoài nhà nước
Dự thảo Luật cũng quy định công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư tự ban hành quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; kiểm soát xung đột lợi ích và trách nhiệm của người đứng đầu; kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập. Đáng lưu ý, bên cạnh việc yêu cầu các DN này tự ban hành quy định nêu trên, dự thảo Luật còn giao cho cơ quan thanh tra, cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất việc thực hiện các quy định do DN tự ban hành.
Hơn nữa, đối với các loại hình DN là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư thì hiện nay pháp luật đã có các quy định rất chặt chẽ về công khai hoạt động, công bố thông tin, về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, nhiều ý kiến cũng lo ngại việc nếu không quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục thanh tra, nhất là căn cứ để tiến hành thanh tra trong dự thảo Luật thì cũng có thể dễ bị lạm dụng.
"Trong các cuộc làm việc của lãnh đạo Chính phủ với DN, nhiều DN đã phản ánh, hiện nay chỉ với các quy định hiện hành về thẩm quyền của cơ quan thanh tra thì hằng năm DN cũng đã bị thanh tra rất nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bình thường của sản xuất, kinh doanh", Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga lưu ý.
Chống tham nhũng chỉ nên liên quan đến tài sản công
Thảo luận về dự án Luật, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng đối với cuộc chiến chống tham nhũng, điều quan trọng nhất là phải xác định thế nào là tham nhũng. Theo đại biểu, tham nhũng là những gì liên quan đến tài sản công, Luật Phòng chống tham nhũng chỉ nên có mục tiêu là bảo vệ tài sản công, những gì không ảnh hưởng đến tài sản công thì để các luật khác điều chỉnh. Đồng thời, phải chú ý để tránh thực hiện tràn lan, vi phạm quyền cá nhân.
Để PCTN, theo đại biểu có hai yếu tố quan trọng là cơ chế và con người. Hiện nay, chúng ta đang đòi hỏi quá nặng nề ở con người như là phải trong sạch, không tư lợi… Nhưng điều quan trọng thực chất là có cơ chế đủ mạnh để con người không thể tham nhũng bởi đã là con người khó tránh "tham, sân, si". "Cơ chế là điều chúng ta làm được mà không muốn làm. Ví dụ như trong đấu thầu, nếu thực hiện cơ chế chặt chẽ thì con người dù có muốn cũng không tham nhũng được", đại biểu nói.
Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam