Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, Chủ tịch Trung Quốc đã gửi bài đăng trên Báo Nhân Dân, trong đó ông lưu ý rằng, hai bên nên kiểm soát các mâu thuẫn và bất đồng, kiên trì hiệp thương hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển mà hai bên đều có thể chấp nhận được.
Ngay trước Hội nghị, các công ty của Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết 83 thỏa thuận thương mại trị giá 1,94 tỷ USD. Chính bởi vậy, câu nói của Chủ tịch Tập Cận Bình trong bài viết cho báo Nhân Dân — Trung Quốc và Việt Nam "cần kiểm soát các mâu thuẫn và bất đồng " — là lời kêu gọi tiếp tục tìm kiếm sự thỏa hiệp và cân bằng lợi ích.
Theo chuyên gia cao cấp Grigory Lokshin từ Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, việc loại bỏ căng thẳng trong quan hệ với Việt Nam do cuộc tranh chấp lãnh thổ trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC có tầm quan trọng chiến lược đối với Bắc Kinh:
"Đối với ông Tập Cận Bình, Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Việt Nam là một sự kiện hết sức quan trọng, đặc biệt sau Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau khi ở Trung Quốc hình thành đường lối củng cố vai trò toàn cầu, khi Trung Quốc cố gắng giữ vị trí lãnh đạo trong việc thúc đẩy xu hướng toàn cầu hóa và tự do hoá thương mại toàn cầu. Trong khi đó, Donald Trump dứt khoát không ủng hộ xu hướng toàn cầu hóa và chủ trương áp dụng các biện pháp bảo hộ cứng rắn. Hội nghị thượng đỉnh APEC nên tăng cường vai trò của Trung Quốc trong quá trình thành lập Khu vực Mậu dịch Tự do Châu Á — Thái Bình Dương, kể cả bằng cách liên kết vào đó dự án khổng lồ "Con Đường Tơ Lụa mới". Trong bối cảnh này, mối quan hệ căng thẳng hơn với Việt Nam do xung đột ở Biển Đông không phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Điều đó cũng không phục vụ lợi ích của Việt Nam, vì nước này đã làm mọi thứ cần thiết để đảm bảo sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh, để tăng cường vị thế của nước mình trên trường quốc tế ", — ông Lokshin cho biết trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vùng Nam Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu quốc tế của CHND Trung Hoa, ông Shen Shishun nhắc nhở rằng, Trung Quốc không bao giờ xem xét các quốc gia bên ngoài khu vực như một bên tham gia giải quyết vấn đề Biển Đông:
"Trung Quốc giữ lập trường rõ ràng và nhất quán: vấn đề Biển Đông với Việt Nam phải được giải quyết song phương. Trên thực tế, đây là một phương pháp hiệu quả. Sự tham gia của các nước nằm ngoài khu vực Biển Đông chỉ có thể làm phức tạp thêm vấn đề. Họ có những lợi ích khác, vì vậy họ có cách tiếp cận khác để giải quyết vấn đề, cách tiếp cận của họ là không công bằng, hơn nữa, nó tạo ra những mâu thuẫn".
Trung Quốc cam kết tạo ra sự phát triển hòa bình ổn định ở khu vực Châu Á —Thái Bình Dương, — Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố khi phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng.