Cũng như bao phóng viên khác, trong sổ tay của tôi chi chít địa chỉ và số điện thoại của những người làm giáo dục, nhưng có 3 địa chỉ rất đặc biệt, tôi không chỉ lui tới khi cần phỏng vấn mà khi mệt mỏi, chán chường tôi cũng muốn bốc máy hỏi các thầy có rỗi không để đến chơi. Đó là nhà GS Lê Văn Giạng, nguyên Thứ trưởng Bộ ĐH &THCN (cụ đã mất 2009), nhà GS Bùi Hiền và nhà của nhà giáo Đình Cao.
Nhà GS Giạng ở đoạn Phạm Đình Hồ — Hàng Chuối, nhà của nhà giáo Đình Cao thì ở gần ĐH Sư phạm Hà Nội, còn PGS Bùi Hiền ở trong một căn hộ nhỏ của chung cư Thanh Xuân Bắc. Sau này chẳng biết ông có chuyển đi đâu không.
Giờ nếu ai muốn tìm lại hình ảnh của những khu tập thể thời bao cấp, hoặc giao thời giữa bao cấp và Đổi Mới thì đến chỗ chung cư của PGS Bùi Hiền — chung cư lắp ghép thần thánh một thời theo công nghệ của Liên Xô cũ.
Tuổi hưu trí, chả có gì phải vội! Loay hoay mãi cuối cùng ông cũng tìm được một cái cốc nhựa và một cái cốc thủy tinh. Lau bằng giấy, rồi thổi phù phù, rồi tráng nước sôi vài lần thì hai cái cốc cũng sáng lên được một chút.
Một bận nhà bên khoan đục ầm ĩ quá nên tôi xin phép được vào phòng ngủ đóng kín cửa lại để ghi âm. Quanh chiếc giường ngủ của ông là giá sách, tài liệu, mì tôm, nước uống, thuốc men, điện thoại… Ông vui vẻ giới thiệu với tôi rằng chỉ cần nằm đó, với tay là có thể liên lạc với cả thế giới và đủ thực phẩm cho cả ngày.
PGS Bùi Hiền không được khỏe. Ông cao huyết áp thì phải? Thuốc men tứ tung đầy giường. Ông ở một mình. Hình như con ông rất giỏi, học và định cư ở nước ngoài. Sau này vợ của ông cũng theo con sang bên đó. Ông bảo các anh chị cứ muốn tôi sang bên đó sống nhưng tôi không thích.
Nói thật, nhìn cảnh một PGS từng đảm trách cương vị phó hiệu trưởng một trường đại học lớn mà sinh hoạt như thế nhiều lúc tôi cũng thấy ái ngại, rất thương, trong đầu không khỏi so bì với người này người kia, tài năng và cống hiến đâu được như ông mà cuộc sống phong lưu hơn nhiều!
Ông thuộc tuýp của những cán bộ thời xưa, khá Bôn-sê-vich, sống tình cảm, trọng cái nghĩa, cái trí; không đặt nặng tiền tài vật chất. Hình như thời của ông đều vậy?
Nhà GS Lê Văn Giạng cũng là một căn hộ trên tầng hai của một biệt thự Pháp cổ với nhiều hộ dân sinh sống. Trong nhà chỉ thấy sách, một thư viện đúng nghĩa với những giá sách để đọc chứ không phải để trưng bày. Nhà của nhà giáo Đình Cao khiêm tốn trong một ngõ nhỏ vốn dĩ trước đây là khu tập thể của trường. Phòng khách vẫn dựng đó chiếc xe đạp còn nguyên biển số…
Hồi đó, mỗi khi mệt mỏi chán nản với xô bồ và bon chen, tôi lại tìm đến chỗ PGS Bùi Hiền, GS Lê Văn Giạng và nhà giáo Đình Cao, những thầy — đối với tôi — có cả tài năng và đức độ! Đến với họ tự dưng thấy lòng mình nhẹ tênh!.
Nguồn: VOV