Trần Hà: Ông Raphael, lý do nào để BMI dự đoán ASEAN sẽ vượt Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ Tư trên thế giới chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ?
Ông Raphael Mok: Chúng tôi tin rằng Đông Nam Á sẽ tiếp tục là khu vực tăng trưởng mạnh trong những thập kỷ tới dựa vào triển vọng sáng sủa, sự hợp tác chặt chẽ cũng như hội nhập sâu rộng của khu vực. Điều này càng trở nên quan trọng khi kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó xu hướng bảo hộ thương mại có chiều hướng gia tăng.
Trần Hà: Trong báo cáo, BMI nhận định Việt Nam sẽ là trung tâm sản xuất toàn cầu. Thực ra, Việt Nam chúng tôi cũng đã từng được nghe về nhận định này trước đó. Vậy nhận định lần này của BMI có gì mới?
Ông Raphael Mok: Những điểm như lực lượng lao động lớn, trẻ, giá nhân công rẻ, vị trí địa lý thuận lợi hay môi trường chính trị ổn định vốn là những lợi thế trước nay của các bạn. Nhưng chúng tôi nhìn thấy điểm nổi bật hơn cả đó chính là sự cải thiện rõ rệt của môi trường kinh doanh của Việt Nam khi bật lên vị trí 68 từ mức 82 trước đó theo đánh giá mới nhất của WB, thực sự kết quả rất đáng nói.
Chúng tôi tiếp tục chờ đợi và hy vọng những cải cách tiếp theo của Việt Nam để nhà đầu tư nước ngoài được nâng quyền sở hữu trong nhiều lĩnh vực, kể cả ngân hàng, chứ không chỉ ở giới hạn ở một số ngành như hiện nay.
Ngoài ra, BMI tiếp tục đánh giá cao tính hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam. Những hiệp định thương mại tự do cả đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết sẽ giúp tăng tính hấp dẫn cho thị trường này. Sự vào cuộc gần đây của các nhà bán lẻ nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Tây Ban Nha đang cho thấy điều đó. Ngành thực phẩm và đồ uống, theo chúng tôi, vẫn sẽ tiếp tục là là một trong những ngành thu hút nhất ở Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn: VTV