Nêu ý kiến chất vấn tại phiên họp HĐND TP Hà Nội vào sáng nay (6/12), Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi: "Giám đốc Công an thành phố cho biết lý do gì đến giờ phút này chưa khởi tố vi phạm xây dựng cũng như an toàn phòng cháy chữa cháy của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên?".
Từ tháng 8/2016, thanh tra đã chuyển hồ sơ sang Công an thành phố và Giám đốc Công an thành phố nói sẽ sớm xem xét theo quy định pháp luật. Gần đây Sở Cảnh sát PCCC tiếp tục thông báo công khai những vi phạm tại 13 tòa nhà thuộc doanh nghiệp này không thực hiện quy định về PCCC.
Bổ sung phần chất vấn về việc chưa khởi tố những sai phạm của Doanh nghiệp xây dựng số 1 Điện Biên, đại biểu Hoàng Huy Được (Ba Vì) cho hay, câu chuyện liên quan tới doanh nghiệp này đã được các đại biểu xới lên từ 2 kỳ họp của HĐND TP Hà Nội.
"Sự xới lên như thế dẫn tới dư luận trong cử tri mà chúng tôi chẳng biết trả lời thế nào. Người ta đặt vấn đề, phải chăng "củi này ướt" mà không khởi tố được, không cháy được? Đề nghị Giám đốc Công an TP cho biết thêm về vấn đề này", ông Được nói.
Trả lời câu hỏi này vào chiều nay, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết:
Liên quan đến vụ việc xảy ra tại Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên và và Công ty Cổ phần sản xuất nhập khẩu Bemes (thuộc tập đoàn Mường Thanh) do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch thì ngày 29/11/2016, cơ quan CSĐT CATP chính thức nhận toàn bộ hồ sơ của Thanh tra TP chuyển theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.
Cùng ngày, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT, Trưởng phòng PC46 đã ra quyết định phân công điều tra viên tổ chức xác minh, điều tra theo trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật.
"Thời gian xác minh, điều tra là 20 ngày, nhưng xin được báo cáo lại 20 ngày theo Khoản 1, Điều 103 Luật Tố tụng Hình sự là đối với các vụ việc đơn giản, không phức tạp. Còn Khoản 2 điều này và Thông tư 06 liên tịch, đối với các vụ việc phức tap thì giới hạn 60 ngày, không quá 2 tháng.
Chúng tôi cũng đã trao đổi và phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát thành phố để giám sát các hoạt động thu thập tài liệu, đánh giá chứng cứ, trong đó có nội dung cần phải giám định thiệt hại.
Chúng tôi đã có đề xuất với Sở Tài chính, cơ quan chuyên môn đánh giá thiệt hại này nhưng cho đến giờ chưa nhận được kết quả của việc giám định. Vì vậy, chúng tôi chưa có cơ sở khởi tố vụ án", tướng Khương nêu rõ.
Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng thông tin, tuy đây là doanh nghiệp tư nhân nhưng cũng là doanh nghiệp lớn, có nhiều người lao động. Cụ thể, hơn 20.000 lao động của doanh nghiệp này đang lao động ở 40 tỉnh, thành và nước Lào.
"Việc chúng ta điều tra, xác minh với tinh thần tích cực, khẩn trương nhưng phải thận trọng.
Bởi vì quá trình xử lý sẽ tác động trước hết đến khách hàng, người dân đã mua và đang ở các chung cư này, đồng thời ảnh hưởng đến đời sống của người lao động đang làm việc ở công ty. Chính vì vậy, chúng tôi thường xuyên báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Đặc biệt, chúng tôi đang cùng với Viện Kiểm sát đề nghị với 3 ngành tư pháp TƯ họp nghe cơ quan điều tra CA TP và Viện Kiểm sát báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo trước khi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can", tướng Khương nói.
Người đứng đầu Công an Hà Nội khẳng định: "Không có việc củi ướt hay củi khô, còn chắc anh Được là luật sư nên hình tượng hóa về văn học. Về mặt luật, cơ quan CSĐT luôn thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh các trình tự pháp luật, thận trọng, khách quan".
Sau đó, hai đại biểu Nam và Được đề nghị tranh luận lại thêm với Giám đốc công an TP nhưng Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, do đã hết thời gian nên các đại biểu sẽ gửi văn bản để trao đổi thêm.
12 công trình do tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư chưa khắc phục xong PCCC
Đối với 79 công trình chung cư vi phạm về PCCC đã đăng công khai thì vi phạm xảy ra trên nhiều nội dung và có vấn đề đã giải quyết khắc phục ngay, nhưng có những vấn đề liên quan đến kết cấu, công năng sử dụng, đầu tư với kinh phí tương đối lớn… nên cần có thời gian, tiến độ.
Theo tướng Định, hiện nay, trong số 79 công trình, đã có 39 công trình khắc phục xong tồn tại, đảm bảo điều kiện, được nghiệm thu về PCCC, còn lại 48 công trình chưa được khắc phục xong, trong đó, có 12 công trình do Doanh nghiệp xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư.
Tướng Định thông tin thêm, với 48 công trình chưa khắc phục thì Cảnh sát PCCC đã đánh giá, phân loại, xác định có 22 công trình có khả năng khắc phục trong thời gian tới và Cảnh sát PCCC đã hướng dẫn, cùng với các đơn vị chức năng, chủ đầu tư tiến hành trong cuối năm 2017, quý 1/2018.
"Đối với 26 công trình khó có khả năng khắc phục thì UBND TP đã có chỉ đạo, thành lập tổ liên ngành kiểm tra, đánh giá thực trạng, khả năng khắc phục.
Có những vấn đề vượt quá thẩm quyền, khả năng của TP thì sẽ báo cáo với Bộ Xây dựng, Bộ Công an để có xem xét về các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành để có giải pháp cho phù hợp, xử lý, đáp ứng yêu cầu hiện tại", tướng Định nói thêm.
Nguồn: Trí Thức trẻ