Khởi tố ông Đinh La Thăng thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng
Theo ông Trương Quang Nghĩa, việc thực hiện Luật phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt là việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng hiện mới đạt chưa tới 10%. Đây là một hạn chế rất lớn, và chính khả năng thu hồi tài sản tham nhũng cũng phản ảnh tính minh bạch về tài sản cá nhân. Hiện rất khó kiểm soát tài sản cá nhân của cán bộ, công chức.
"Đó cũng là cái gốc gác, cái nguyên nhân dẫn đến tham nhũng nhiều như thế!" — ông Trương Quang Nghĩa nói. Theo ông, hiện luật phòng, chống tham nhũng đang tiếp tục được hoàn thiện dần, nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là quyết tâm phòng chống tham nhũng trong Đảng và Quốc hội. Bởi tham nhũng là vấn đề "mang tính sống còn đối với chế độ" như Tổng Bí thư đã nói.
"Trong tuần vừa rồi có một vụ án rất lớn đã khởi tố bị can. Đó là vụ ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên TƯ Đảng, đại biểu Quốc hội. Qua vụ này, tôi nghĩ phần nào đó cử tri cũng thấy được quyết tâm của TƯ Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ và chừng mực nào đó thì cử tri cũng sẽ tin tưởng hơn về quyết tâm của Đảng đối với phòng chống tham nhũng!" — ông Trương Quang Nghĩa nói.
BOT đều vay vốn ngân hàng chứ chưa huy động được nguồn lực xã hội
"Trong quá trình nghiên cứu để thông qua các dự án này, các đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm tới các dự án BOT phê duyệt thời gian vừa rồi và cũng đã có thanh tra toàn diện, giám sát của Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước. Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra TƯ đang thực hiện giám sát dự án Quốc lộ 1 và cũng sẽ có những vấn đề về BOT được quan tâm làm rõ!" — ông Trương Quang Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho hay, tháng 4/2016, ông được điều động về nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ GTVT; đến tháng 6/2016, ông cùng lãnh đạo Bộ GTVT tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Qua đó đã rút ra một số đánh giá, nhận xét chung về BOT. Đó là về mặt chủ trương, thực hiện BOT là đúng do nguồn lực của nhà nước hiện còn rất hạn chế, trong khi nguồn lực của xã hội còn rất nhiều.
"Nhưng việc huy động nguồn lực trong thời gian vừa qua có thực sự là huy động nguồn lực của xã hội hay chưa? Nói thực, trong đánh giá chúng tôi đưa ra nhận định là vẫn chưa đạt được mục đích huy động nguồn lực của xã hội. Bởi vì cuối cùng đó đều là các dự án huy động vốn từ ngân hàng chứ không phải là các nguồn lực khác trong dân.
Tiền, vàng trong dân chả thèm gửi vào ngân hàng nữa khi mà ngân hàng chưa đủ để khuyến khích người ta. Với mức lãi vay và cho vay của ngân hàng, nếu các dự án BOT có cơ chế huy động thì tư nhân cũng sẵn sàng tham gia, nhưng thực tế các dự án BOT vừa rồi đều vay ngân hàng nên các rủi ro về tài chính cũng rất lớn!" — ông Trương Quang Nghĩa nói.
Xử lý không khéo các dự án BOT rồi thì rủi ro rất lớn
"Do vậy, từ tháng 6/2016 đến nay không có một dự án BOT nào khởi công!" - ông Trương Quang Nghĩa cho hay. Theo ông, không phải không có nhà đầu tư, nhưng việc không có thêm các dự án BOT khởi công trong thời gian qua là do các nhà đầu tư đều theo cách thức cũ, đều là các đường nâng cấp, đường tránh, sau đó thu tiền!
Bên cạnh đó, ông chỉ rõ, nhiều dự án BOT ra đời là do sự bức xúc, nóng vội của một số địa phương và cả sự nóng vội từ Bộ GTVT. Cùng với đó là tính hình thức, tính phong trào, tính hình ảnh cá nhân. "Và tôi cũng nói luôn, kể cả có tính lợi ích ở đó nữa. Nên hiện các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra TƯ và giám sát của Quốc hội đang tập trung làm rõ!" — ông Trương Quang Nghĩa nói.
Ông cũng khẳng định với cử tri Đà Nẵng, riêng trong thời gian ông làm Bộ trưởng Bộ GTVT đã thực hiện được hai việc lớn nhất liên quan tới BOT. Đó là dừng lại, rà soát, đánh giá tất cả các dự án BOT và đưa ra mức phí cho phù hợp. Và điều quan trọng nhất là tập trung làm quyết toán các dự án BOT.
"Khi đưa ra được quyết toán sẽ phản ảnh một số vấn đề, chi tiêu ra làm sao, quan hệ như thế nào, dự án đó của ai, của anh, hay của em, hay của ai thì nó lộ hết ra. Và thực sự các chi tiêu đó, sau khi quyết toán thì các số liệu rất phù hợp với kiểm toán nhà nước!" — ông Trương Quang Nghĩa cho hay.
Ông Trương Quang Nghĩa nêu rõ, quyết tâm của Chính phủ là phải đưa ra một giải pháp hài hòa. Bởi vì các nhà đầu tư cũng đã bỏ tiền ra rồi, và suy cho cùng, chịu trách nhiệm đầu tiên là Bộ GTVT. Ngoài ra, để thông qua một dự án BOT phải có đến 6 Bộ chấp nhận. Do vậy, giải quyết vấn đề này cũng đòi hỏi phải bài bản, căn cơ hơn, bởi vì cái tính liên quan, tính ảnh hưởng của nó rất lớn.
"Và cũng đã có doanh nghiệp bảo với sức ép như thế này thì họ trả lại dự án cho ngân hàng. Bởi vì ngân hàng bỏ tiền, và ngân hàng lại lấy quyền thu phí để làm thế chấp. Nếu chúng ta xử lý không khéo thì cái rủi ro là rất lớn. Nhưng dứt khoát là phải làm!" — ông Trương Quang Nghĩa nói.
Nguồn: Infonet