Tinh vi, nham hiểm nhưng B-52 Mỹ vẫn "sấp mặt" trước tên lửa Việt Nam

© Sputnik / Gleb Spiridonov / Chuyển đến kho ảnhchiến tranh ở Việt Nam
chiến tranh ở Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Dù chỉ có 1 loại tên lửa phòng không thế hệ đầu nhưng với trí tuệ và bàn tay điêu luyện, các chiến sỹ tên lửa VN đã đánh bại B-52 và lực lượng KQ Hoa Kỳ hùng mạnh nhất thế giới.

Việt Nam nhỏ bé đối mặt với "gã khổng lồ"

Vượt qua mưa bom bão đạn và siết bao máu đổ, các chiến sỹ tên lửa đồng hành cùng với cả dân tộc ta đã tạo nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lẫy lừng và đánh bại được đội quân xâm lược hùng mạnh nhất từ trước đến nay trong suốt lịch sử 4.000 năm qua trên mảnh đất Việt nhỏ bé, thân thương…

Phạm Tuân - Sputnik Việt Nam
Anh hùng Phạm Tuân đã bắn rơi máy bay B52 như thế nào?
Khi bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc VN từ 5/8/1964, Hoa Kỳ không thể ngờ rằng một đất nước nhỏ bé và nghèo nàn với quân đội không có vũ khí hiện đại lại có thể đứng vững được trước lực lượng quân sự khổng lồ của họ.

Lúc cao điểm, có tới 1.382 máy bay chiến thuật (1/3 tổng số KQ chiến thuật Mỹ) và 200 siêu pháo đài bay B-52 (1/2 lực lượng KQ chiến lược) cùng 6 tàu sân bay tham chiến ở Việt Nam.

Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử không quân, Mỹ sử dụng 1 liên đội 50 máy bay F-111 cánh cụp, cánh xòe hiện đại nhất lúc đó, tham gia đánh phá ở tầm thấp cùng các đợt B-52…

Ngoài việc sử dụng lực lượng cực lớn các loại máy bay tấn công, Mỹ còn tiến hành cuộc chiến tranh điện tử vô tiền khoáng hậu từ sau Thế chiến 2 đến nay chống lại lực lượng phòng thủ Việt Nam và tin rằng đây là cứu cánh hữu hiệu nhất bịt mắt đối thủ, là bộ giáp che chắn cho mọi loại máy bay Mỹ.

Để bảo vệ lực lượng tấn công, Mỹ luôn sử dụng nhiều biện pháp trinh sát và chế áp điện tử ngoài đội hình và trong đội hình của các tốp đánh phá, tạo màn nhiễu dày đặc che chắn cho các máy bay tránh sự phát hiện của mạng radar cảnh giới cũng như các khí tài điều khiển hỏa lực của tên lửa và pháo cao xạ cỡ 57mm trở lên.

Khi đánh phá các vùng và thành phố ven biển như Hải Phòng thì còn có nhiễu từ các hạm tàu yểm hộ. Trong thực tế, khi gặp các khu vực có hỏa lực phòng không mạnh thì phi công Mỹ thường phải cơ động và bay lệch ra khỏi hành lang nhiễu ngoài đội hình, vì vậy trên các máy bay đều được trang bị thêm nhiều loại thiết bị gây nhiễu để tự bảo vệ trong đội hình.

Máy bay ném bom B-52 - Sputnik Việt Nam
Khi B-52 Mỹ đột nhập tinh vi và Hoa Kỳ ngạo mạn đánh tổng lực vào Việt Nam…
Khi đó, trên màn hiện sóng radar và tên lửa sẽ xuất hiện nhiều dải nhiễu lớn nhỏ với cường độ sáng khác nhau và nhấp nháy liên tục, đan xen các loại nhiễu xung trả lời dẫn theo góc và cự ly, nhiễu tiêu cực…phủ kín màn hình, rất khó khăn cho việc phát hiện và bám sát mục tiêu.

Nếu địch bay đội hình lớn thì cường độ nhiễu càng tăng, gây quá tải cho các máy thu của radar và tên lửa, rất khó phân biệt tín hiệu thật-giả và điều khiển chính xác tên lửa tới mục tiêu.

Mỹ lồng lộn tìm cách bịt mắt radar, diệt tên lửa Việt Nam…

Ngoài biện pháp gây nhiễu, Mỹ còn chế áp điện tử bằng tên lửa tự dẫn chống radar (TLTDCR) dựa trên nguyên lý dùng máy thu thụ động dò tìm nguồn bức xạ vô tuyến rồi dẫn tên lửa bay theo cánh sóng tới nguồn phát xạ.

Theo số liệu của Mỹ, họ đã sử dụng tới 5.000 quả TLTDCR các loại Sơrai (Shrike) và Standard trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nhiều hơn bất kỳ cuộc chiến nào sau này trên thế giới. Chiến tranh leo thang và kéo dài ở miền Bắc nên tác chiến điện tử (TCĐT) cũng mang tính chất này.

Lúc đầu, do trình độ công nghệ điện tử Mỹ thời đó nên họ chưa có đủ khả năng chế tạo và sử dụng nhiều thiết bị TCĐT mà sau này mới tăng dần lên.

Máy bay ném bom B-52 - Sputnik Việt Nam
Bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh và nghệ thuật quân sự Việt Nam trên mặt trận đối không
Đặc biệt từ khi tên lửa ta xuất hiện 7/1965 và trong cuộc Chiến tranh phá hoại lần 2 từ 4/1972, Mỹ đã sử dụng ồ ạt các phương tiện TCĐT hiện đại nhất với hàng chục kiểu loại mới, công suất lớn hơn nhiều lần nên cường độ nhiễu cực mạnh và phức tạp, càng ngày càng gây khó khăn và nguy hiểm lớn hơn cho các loại khí tài phòng không của Việt Nam.

… nhưng "vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn"

Về phía ta, việc chống nhiễu và chống tên lửa Sơrai cũng là 2 nhiệm vụ hàng đầu, sôi động từng ngày từng giờ đối với bộ đội tên lửa. Các chiến sỹ Việt Nam cũng được thử thách, rèn luyện từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, dần tích lũy kinh nghiệm và có thời gian tìm ra cách đối phó với các thủ đoạn của địch.

Do đặc điểm vũ khí trang bị tên lửa phòng không là khí tài điện tử và đối thủ là máy bay, loại phương tiện tấn công có tốc độ cực nhanh (nhanh nhất trên chiến trường), cơ động linh hoạt mọi hướng trên phạm vi rất rộng, mang nhiều loại bom đạn tối tân nên tính chất chiến đấu của bộ đội tên lửa có một số khác biệt so với các binh chủng bạn như cao xạ, xe tăng, bộ binh…

Các trắc thủ tên lửa ngồi trong xe khí tài không thể nhìn thấy chiếc máy bay địch cụ thể mà chúng chỉ xuất hiện dưới dạng các tín hiệu rất nhỏ trên màn hiện sóng, lẫn trong nhiễu điện tử dày đặc và sóng địa vật từ đủ các hướng.

Máy bay ném bom Mỹ F105 Thunderchief thả bom xuống miền Bắc Việt Nam - Sputnik Việt Nam
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam là đây!
Thậm chí cả tiếng máy bay gầm rú hay tiếng bom rơi, đạn nổ xung quanh cũng không nghe rõ và không trông thấy để né tránh xuống hầm, hào vì các xe khí tài trong chiến đấu đều phải đóng kín. Không gian bên trong xe rất chật hẹp lại khá đông người nên không thể có bất cứ hành động hay lời nói thừa nào trong quá trình sục sạo phát hiện, bám sát mục tiêu và điều khiển tên lửa.

Mọi công tác chuẩn bị chiến đấu cũng như việc động viên tư tưởng, tinh thần chiến sỹ đều phải thực hiện xong từ trước trận đánh.

Vào chiến đấu, trên các xe của đài điều khiển tên lửa chỉ có tiếng máy chạy đều đặn, những ánh đèn tín hiệu xanh, đỏ, trắng, vàng nhấp nháy và sự im lặng tuyệt đối để kíp trắc thủ tập trung hoàn toàn vào tín hiệu mục tiêu trên các màn hiện sóng, điều khiển tay quay và thực hiện các thao tác chiến đấu.

Trong suốt quá trình ấy chỉ có các mệnh lệnh chỉ huy và báo cáo vang lên trong xe. Mọi việc diễn ra phía ngoài xe đều không gây tác động và hầu như không ảnh hưởng đối với các trắc thủ tên lửa.

Thời gian mỗi trận đánh diễn ra được tính bằng phút, nhất là đối với các loại máy bay phản lực có tốc độ siêu âm, tức là lớn hơn 340 m/s (1.200 km/h) và bay ở độ cao rất thấp hoặc rất cao, cơ động lắt léo trong màn nhiễu điện tử dày đặc…

Một đặc điểm nữa của binh chủng tên lửa là chiến đấu tập thể bằng khí tài điện tử, phải phối hợp đồng bộ nhiều xe khí tài, nhiều trắc thủ trong kíp chiến đấu và chỉ cần 1 hệ máy, 1 xe khí tài bị trục trặc hoặc 1 trắc thủ thao tác sai thì sẽ dẫn đến việc cả tiểu đoàn hàng trăm người không thể chiến đấu và bỏ lọt mục tiêu (khác với bộ binh, còn 1 người 1 súng vẫn có thể đánh địch…).

Nguy hiểm nhất là khi địch phóng tên lửa tự dẫn chống radar (tên lửa Sơrai), nếu không phát hiện được tín hiệu rất nhỏ của nó trên nền nhiễu và kịp thời thao tác đối phó thì chỉ trong vài chục giây nó sẽ bay cực nhanh theo cánh sóng radar đến đúng nguồn phát xạ (trung tâm đài điều khiển tên lửa).

Mỹ ném bom Việt Nam (lưu trữ) - Sputnik Việt Nam
Tên lửa Việt Nam và "màn chào hỏi kinh hoàng" dành cho B-52 Không quân chiến lược Mỹ
Trong 8 năm đánh phá miền Bắc, máy bay Mỹ đã hàng trăm lần phóng hàng ngàn quả Sơrai vào các trận địa tên lửa và gây cho ta không ít thiệt hại.

Cho nên đối với các chiến sỹ tên lửa, trong chiến đấu ngoài lòng dũng cảm còn phải giỏi chuyên môn kỹ thuật, bình tĩnh thao tác, xử trí tình huống rất nhanh và chuẩn xác thì mới có thể diệt máy bay địch, bảo vệ được mục tiêu ta và chính đơn vị mình.

Chỉ chậm vài phút là địch đã có thể bay vọt qua đầu, thả bom vào trận địa ta và mục tiêu bảo vệ. Lực lượng ta lại luôn ít hơn, mỗi hướng đôi khi chỉ có 1 tiểu đoàn tên lửa bảo vệ, máy bay địch rất đông nên nếu bị đánh hỏng khí tài thì sẽ tạo ra lỗ hổng để các tốp máy bay khác tiếp tục theo hướng này xông vào đánh phá…

Binh chủng tên lửa muốn chiến đấu hiệu quả thì phải làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật vốn rất phức tạp với hàng vạn linh kiện khác nhau trong 1 bộ khí tài tên lửa mà ta không sản xuất được. Chỉ có vài trăm cán bộ kỹ thuật tên lửa VN đã đương đầu với cả bộ máy khoa học công nghệ hùng hậu của Mỹ, đối phó và bẻ gãy mọi thủ đoạn tinh vi, nham hiểm nhất của đối phương.

Trong chiến dịch cuối tháng 12/1972, công tác bảo đảm kỹ thuật của ta đã đạt hiệu quả rất cao. Địch đánh phá dồn dập, kéo dài nên các tiểu đoàn tên lửa và mạng lưới radar phải mở máy liên tục trong nhiều ngày.

Khí tài có lúc hoạt động tới 10 tiếng liền trong ngày nhưng đa số vẫn làm việc tốt với độ ổn định rất cao và đây là ưu việt hàng đầu của các loại vũ khí, khí tài do Liên Xô chế tạo mà ta vẫn sử dụng đến ngày nay, nhất là tổ hợp tên lửa S-75 (SAM-2) so với cả 1 số loại mới sau này.

Nổi bật trong cuộc chiến tranh ác liệt này là dù chỉ có 1 loại tên lửa phòng không thế hệ đầu nhưng với trí tuệ và bàn tay điêu luyện, các chiến sỹ tên lửa VN đã đánh bại lực lượng không quân Hoa Kỳ hùng mạnh bậc nhất thế giới.

Chúng ta đã bắn hạ 40/41 kiểu loại máy bay tối tân nhất tham chiến (trừ loại trinh sát SR-71), và điều Mỹ lo sợ nhất đã xảy ra, lần đầu tiên có hàng chục siêu pháo đài bay B-52 bị tiêu diệt tại chỗ ở Hà Nội cuối tháng 12/1972.

Trong chiến dịch đã xuất hiện 57 lần hỏng hóc khí tài tên lửa và radar do bị địch đánh phá và một số trục trặc máy móc, đều được lực lượng cán bộ kỹ thuật VN và chuyên gia Liên Xô khắc phục nhanh chóng.

B-52 - Sputnik Việt Nam
Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và tài năng quân sự Việt Nam
Đội ngũ cán bộ và kỹ thuật viên của Cục kỹ thuật PKKQ và Sư đoàn 361 đã làm việc suốt ngày đêm với cường độ cao hơn bất cứ lúc nào để bảo đảm khí tài tốt và đủ đạn cho các đơn vị. Ví dụ, tiểu đoàn tên lửa 77 bị địch đánh trúng trận địa làm khí tài hỏng nặng, vậy mà chỉ sau 2 ngày khí tài đã được sửa chữa xong và đưa vào tiếp tục chiến đấu.

Với 2 dây chuyền lắp ráp tên lửa tại Hà Nội, ta đã lắp ráp kịp thời hàng trăm quả đạn bổ sung cho các tiểu đoàn hỏa lực.

Các tiểu đoàn kỹ thuật đã nghiên cứu cải tiến quy trình lắp ráp, giảm thời gian thao tác ở nhiều công đoạn nên mỗi dây chuyền đã tăng mức lắp ráp từ 8 quả tên lửa theo quy định lên tới 20-22 quả đạn trong 1 ngày đêm, bảo đảm nhu cầu cho 13 tiểu đoàn hỏa lực trong chiến đấu.

Đồng thời, ta cũng sửa chữa nhanh chóng 140 quả tên lửa bị hỏng hoặc quá hạn lưu trong kho, đưa ra sử dụng đạt chất lượng tốt trong trận đánh và chỉ có 1,5 % đạn bị mất điều khiển khi phóng. Cuối chiến dịch, ta còn điều động bổ sung kịp thời hàng trăm quả đạn từ Quân khu 4 ra Hà Nội sẵn sàng chiến đấu nếu không quân Mỹ tiếp tục kéo dài đánh phá…

Ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc và trình độ chiến đấu cao cũng như tinh thần sáng tạo trong khoa học kỹ thuật của bộ đội tên lửa VN đã làm nên chiến thắng lẫy lừng trước một kẻ thù trang bị mạnh và hiện đại hơn ta gấp nhiều lần.

Trong lửa đạn bom rơi, trí tuệ và lòng dũng cảm của các chiến sỹ tên lửa VN luôn ngời sáng bất diệt như tinh thần quả cảm "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của các thế hệ cha anh đi trước trong cuộc kháng chiến trường kỳ vẻ vang của dân tộc Việt Nam!

Đại tá Nguyễn Thụy Anh — Cục Khoa học Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu

Nguồn: Thời đại

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала