1. Chủ động xây dựng lực lượng vũ trang, làm nòng cốt cho toàn dân kháng chiến
Sau khi đặt chân an toàn lên căn cứ địa Việt Bắc, BTTM đã khẩn trương tổ chức Hội nghị cán bộ, tập trung bàn phương hướng xây dựng bộ đội chủ lực. Hội nghị khẳng định: "Bộ đội chủ lực không phải của riêng chiến trường nào, mà "Bộ chỉ đâu, bộ đội chủ lực phải đánh đấy, đánh đâu phải thắng đấy". Muốn đánh thắng phải xây dựng cho lớn mạnh, đánh đi đôi với rút kinh nghiệm, đánh để tiêu diệt địch và thu vũ khí, nhằm cải thiện trang bị cho mình để càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng" (2). Quán triệt tinh thần của hội nghị, BTTM chỉ đạo các khu, các tỉnh đẩy mạnh xây dựng bộ đội chủ lực, tạo nên phong trào xung phong tòng quân hết sức sôi nổi. Riêng mùa hè năm 1947 đã có "35.000 người tình nguyện nhập ngũ. Từ 85.000 người trước ngày Toàn quốc kháng chiến, tổng số Vệ quốc quân lên tới 125.000 người, gồm 57 trung đoàn và 19 tiểu đoàn độc lập ở các tỉnh, các địa phương trong cả nước" (3).
Cùng với đó, cơ quan tham mưu chiến lược chỉ đạo "tổ chức lực lượng, huấn luyện quân sự, xây dựng làng chiến đấu, phá hoại đường sá đến việc chỉ đạo các đơn vị Vệ quốc đoàn dìu dắt dân quân, du kích trong thực tế chiến đấu" (4), đồng thời chuẩn bị các văn kiện về xây dựng lực lượng và tác chiến của dân quân, tự vệ, du kích. Từ chỗ là những tổ chức vũ trang của quần chúng do Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc xây dựng ở các địa phương, dân quân, tự vệ và du kích trở thành một bộ phận trong các LLVT của Nhà nước, do cơ quan quân sự địa phương trực tiếp chỉ huy. Ngay từ mùa hè năm 1947, đã có hàng chục vạn người gia nhập các đơn vị dân quân, tự vệ và du kích, hàng nghìn làng chiến đấu được xây dựng, hàng trăm đội du kích tập trung được kiện toàn, hình thành LLVT đông đảo.
Dưới sự chỉ đạo của BTTM, LLVT cách mạng đã có bước phát triển mới, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc để đánh bại các âm mưu đẩy mạnh chiến tranh của thực dân Pháp. Sự phát triển của LLVT trong điều kiện vừa chuyển đất nước vào chiến tranh đã đánh dấu bước trưởng thành của BTTM trong chỉ đạo công tác này.
2. Kịp thời tổ chức binh lực, bố trí thế trận, sớm giành thế chủ động, góp phần vào thành công của Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947
Ngày 7-10, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Bắc Kạn, mở đầu cuộc tiến công táo bạo lên căn cứ địa Việt Bắc hòng thực hiện đòn đánh quyết định để kết thúc chiến tranh. Diễn biến này trái với dự đoán ban đầu nên đã gây cho ta những lúng túng, bất ngờ. Trong bối cảnh đó, BTTM chỉ đạo: "Điều chỉnh lại lực lượng để chủ động đánh địch" (6), "Điều động thêm lực lượng từ phía dưới lên hướng các đường số 4 và số 3, tiến công vị trí địch mới, không cho chúng chiếm đóng, không cho chúng củng cố và đánh rộng ra; đồng thời đánh mạnh giao thông, không cho địch tự do cơ động, tiếp tế, tăng viện…" (7), chỉ đạo các khu đẩy mạnh phá hoại đường sá, các công trình kiên cố, phân tán các kho tàng, công xưởng, trạm trại, sơ tán và hướng dẫn nhân dân thực hiện "vườn không nhà trống", sẵn sàng đánh địch. Những chỉ đạo kịp thời này đã giúp cho quân và dân trên chiến trường Việt Bắc vượt qua bất ngờ, bị động, nhanh chóng triển khai thế trận chiến đấu.
Dưới sự chỉ đạo linh hoạt, kịp thời của BTTM, hoạt động tác chiến của quân và dân trên chiến trường Việt Bắc đã bẻ gãy các mũi tiến công của địch, buộc quân Pháp phải hủy bỏ bước 2 của cuộc hành quân, bị động thu hẹp phạm vi càn quét. Nhận thấy địch có dấu hiệu chuyển hướng, BTTM nhận định: Tuy đã thất bại bước đầu nhưng tại địa bàn trung tâm Việt Bắc, quân số địch vẫn còn đông, được trang bị mạnh, trong khi trình độ mọi mặt của ta chưa cho phép tiến công vào các vị trí tập trung quân của chúng, nên đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh tư tưởng chủ quan (9), lệnh cho các khu, các đơn vị chủ lực của Bộ tiếp tục đánh vừa, đánh nhỏ trên toàn mặt trận, tiêu hao, tiêu diệt địch rộng khắp, hạn chế quân địch đi lùng sục, khủng bố; sẵn sàng đánh địch khi chúng rút chạy. Thực hiện chỉ đạo của cơ quan tham mưu chiến lược, quân và dân trên chiến trường Việt Bắc liên tục đeo bám, tiến công địch bằng các trận đánh nhỏ lẻ và tận dụng cơ hội mở những trận phục kích tiêu hao nhiều sinh lực địch. Liên tục bị chặn đánh khiến cho quân Pháp không thể triển khai càn quét theo kế hoạch Xanhtuya, buộc phải rút quân kết thúc cuộc tiến công quy mô, đầy tham vọng trong sự thất bại.
Bám sát diễn biến tình hình, nhanh chóng bố trí binh lực, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, huy động được sức mạnh của nhân dân tham gia chiến đấu, phát huy sức mạnh của các LLVT là những đóng góp quan trọng của BTTM vào Chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông 1947, khẳng định vai trò của cơ quan tham mưu chiến lược trong chỉ đạo đấu tranh vũ trang, là bước trưởng thành của BTTM qua Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947.
3. Khẳng định vai trò trong tổ chức, chỉ huy điều hành chiến dịch
Qua nghiên cứu kế hoạch hành quân của thực dân Pháp, phân tích thế và lực của địch, cơ quan tham mưu chiến lược đã cùng Bộ Tổng chỉ huy nhận định không thể đưa lực lượng lớn ra đối mặt với bộ phận lớn quân địch có pháo binh và xe tăng yểm hộ. Đồng thời nhận rõ điểm yếu cơ bản của địch khi tiến quân lên địa hình rừng núi, dễ bị chia cắt nên đã quyết định chọn loại hình phản công, đánh vận động, đánh du kích, là cách đánh sở trường của LLVT kháng chiến, đồng thời tạo điều kiện cho sự tham gia chiến đấu của các tầng lớp nhân dân, phát huy được thế trận chiến tranh nhân dân. Với cách đánh này, ta đã hạn chế được ưu thế về tập trung binh lực và trang bị của địch, buộc chúng phải phân tán lực lượng, bị động đối phó. Lựa chọn đúng loại hình, đưa thế trận chiến tranh nhân dân vào chiến dịch phản công đã tạo nên nét đặc sắc về nghệ thuật chiến dịch trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947.
Trong điều kiện địa bàn chiến dịch trải rộng 3.600km2, phương tiện thông tin liên lạc còn hạn chế, cơ quan quân sự chiến lược đã chỉ đạo hình thành 3 mặt trận, đánh địch trên 3 hướng: Sông Lô-đường số 2; đường số 4, đường số 3, với quy mô tác chiến phổ biến ở cấp tiểu đoàn và đại đội, kết hợp bộ binh với pháo binh, sử dụng hình thức phục kích là chính. Với cách thức tổ chức này, chúng ta đã phát huy khả năng độc lập tác chiến trên từng mặt trận, triệt để lợi dụng yếu tố thuận lợi của địa hình, nhanh chóng chớp thời cơ để tiến hành những trận đánh có tính then chốt, tiêu hao nhiều sinh lực địch, phá được ý đồ hợp điểm bao vây của thực dân Pháp, là yếu tố quan trọng để bẻ gãy các mũi tiến quân, hòng hình thành hai gọng kìm bao vây căn cứ địa của địch.
Chọn đúng loại hình, hướng tiến công của chiến dịch, tổ chức binh lực thích hợp, chỉ đạo cách đánh sáng tạo… là những nét đặc sắc về nghệ thuật trong tiến hành Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947 — yếu tố quan trọng để quân và dân ta hoàn thành được mục tiêu phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp. Chiến thắng đầu tiên ở quy mô chiến dịch đã đưa cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới, tạo tiền đề để quân và dân Việt Nam tiếp tục giành những thắng lợi, đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng. Thành công của chiến dịch đầu tiên và những nét nghệ thuật đặc sắc đã khẳng định vai trò của cơ quan tham mưu chiến lược trong chỉ đạo điều hành các hoạt động tác chiến trên quy mô lớn, dài ngày, nhằm đạt được mục đích có ý nghĩa chiến lược.
Bước trưởng thành trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947 là tiền đề quan trọng để cơ quan tham mưu chiến lược cùng quân và dân cả nước triển khai kháng chiến toàn diện, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi, hun đúc nên truyền thống: "Trung thành-mưu lược; Tận tụy-sáng tạo; Đoàn kết-hiệp đồng; Quyết chiến-quyết thắng". Thành công và cả những hạn chế về công tác tham mưu chiến lược trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947 là bài học sâu sắc để xây dựng BTTM xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, việc xây dựng nhân tố con người, tổ chức cơ quan, ngành tham mưu vững mạnh về mọi mặt là việc làm tiên quyết, bởi đây là những nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với công tác tham mưu chiến lược.
Thượng tướng PHAN VĂN GIANG, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Nguồn: QĐND