Ai bao che cho sai phạm của ông Thăng?
Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank);
Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.
Theo thông tin mới nhất thì Cơ quan điều tra đã hoàn thành kết luận điều tra và đề nghị Viện Kiểm sát truy tố ông Đinh La Thăng vì những thiệt hại gây ra tại Tập đoàn Dầu khí.
Trao đổi với Báo Điện tử giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước — nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho biết, việc ông Đinh La Thăng bị bắt tạm giam và bị xử lý với mức độ nghiêm khắc nhất không phải là chuyện bất ngờ.
Những sai phạm tày đình như thế tại sao lại che đậy được trong nhiều năm, để rồi ông Thăng leo lên những chức vụ cao hơn.
Tướng Thước đánh giá:
"Đối với công tác cán bộ của Đảng, nếu như tổ chức nghiêm khắc thực sự, nếu như tất cả các cán bộ cấp cao đều nghiêm ngắn thì không bao giờ xảy ra chuyện vi phạm của cấp dưới.
Quy trách nhiệm cho từng trường hợp cụ thể, từng vụ việc cụ thể là việc đương nhiên mà Đảng phải làm.
Tôi xin nhấn mạnh yêu cầu ở đây không phải chỉ đơn giản là xử lý một cán bộ cụ thể như ông Thăng, mà phải sửa một cách có hệ thống để không còn cán bộ hư hỏng nữa.
Các đồng chí ăn lương của dân bao nhiêu rồi thì các đồng chí phải có trách nhiệm với dân chứ".
Theo dõi cả một quá trình, Tướng Thước nhận định, thời còn trẻ ông Đinh La Thăng tham gia công tác đoàn thanh niên cũng là một người hăng hái, nhiệt huyết. Nhưng rồi khi lên được những vị trí, chức vụ cao thì bắt đầu dính tới sai phạm, trong đó có những sai phạm nghiêm trọng.
Điều đó cho thấy vai trò kiểm soát của một số tổ chức, cá nhân quá yếu kém hoặc là đã có chuyện gì khác bên trong cho nên những sai phạm ấy mới bị che lấp đi suốt một thời gian dài.
"Trong cái sai phạm ấy ngoài trách nhiệm của cá nhân ông Thăng thì còn có trách nhiệm của tổ chức, những cơ quan thanh tra, những người có trách nhiệm kiểm soát vị trí của ông Thăng, kiểm soát những việc làm của ông Thăng.
Chẳng lẽ không biết gì về vi phạm của ông Thăng hay sao? Không biết hay là cố ý lờ đi?
Cái đó, tôi cũng mong Đảng phải truy xét làm rõ trách nhiệm của những cá nhân có liên quan.
Nếu làm rõ trách nhiệm của ông Thăng từ thời ở Tập đoàn Dầu khí thì làm gì có chuyện lên đến Bộ trưởng, rồi đến Ủy viên Bộ Chính trị, làm ảnh hưởng tới uy tín của Đảng", Tướng Thước nhận định.
Vai trò của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ thế nào?
"Một bà mẹ có bệnh tật chắc chắn sẽ đẻ ra những đứa con ốm yếu, không thể đẻ ra quái thai, cho nên phải chữa cho bà mẹ khỏe mạnh thì những đứa con sinh ra không bị bệnh. Nếu như những tổ chức, cá nhân được giao quyền kiểm soát hoạt động của Tập đoàn Dầu khí thời gian đó thực sự nghiêm túc thì đâu có chuyện lọt những vi phạm của ông Thăng cho đến tận bây giờ. Đấy là chuyện rất buồn, và tôi nghĩ Đảng cần phải truy xét những cá nhân, tổ chức ấy. Phải trả lời cho được những ai đẻ ra cái quái thai đó? Nếu không chữa được bà mẹ thì những đứa con tiếp theo vẫn bệnh tật, và sẽ còn nhiều sai phạm khác như trường hợp của ông Đinh La Thăng. Tôi rất đồng tình ủng hộ quan điểm của Tổng Bí thư là tất cả những trường hợp cán bộ sai phạm đều phải xử lý nghiêm minh từ trên xuống, và những ai trót để tay nhúng chàm thì phải tự gột rửa cho sạch", Tướng Thước bày tỏ.
"Sau những vụ việc như hai cán bộ Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng, cần phải đặt ra câu hỏi: Vai trò của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ thế nào?
Một con người không trung thực chưa phải vấn đề gì lớn, nhưng tổ chức không trung thực, tổ chức yếu kém thì vô cùng nguy hiểm, chính điều đó sẽ làm suy yếu sức mạnh của Đảng", Tướng Thước nhấn mạnh.
Đại hội XII của Đảng đã đề ra 10 nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng.
Rồi đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII tiếp tục đặt ra yêu cầu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Theo Tổng Bí thư thì đây luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, chế độ.
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nói thì đơn giản như vậy, nhưng khi nó rơi vào những người giữ vị trí lãnh đạo quan trọng trong hệ thống nhà nước thì sẽ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Đất nước đã trải qua những cuộc chiến tranh kéo dài nhiều năm, trong gian khó Đảng ta ra đời với một mục đích duy nhất là vì quyền lợi của nhân dân. Vì lẽ ấy nên dân tin và theo Đảng.
Tướng Thước chia sẻ:
"Sau khi thành lập nước, năm 1946 Bác Hồ đã nói về nguy cơ của một Đảng cầm quyền. Bác dạy rằng đấu tranh trong gian khổ giành độc lập rồi thì điều đáng lo ngại là khi có quyền lực sẽ sinh ra bệnh hủ hóa phẩm chất, sau này đẻ ra tham nhũng. Từ hơn 70 năm trước Bác đã dạy như vậy, nhưng rõ ràng là chúng ta chủ quan, và còn có sự dung túng của không ít cán bộ nên mới xảy ra nhiều sai phạm lớn như vậy. Trong những năm qua đã có rất nhiều cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng đáng tiếc vẫn còn đó nhiều cán bộ tham nhũng, bè cánh, phai nhạt lý tưởng và dẫn tới quan liêu, xa dân. Có những cán bộ nói thì nhiều mà làm thì ít hoặc nói mà không làm như Tổng Bí thư từng đánh giá sau Đại hội Đảng 12. Vì thế, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị phải đi liền với việc chống quan liêu. Suy thoái tư tưởng chính trị cùng với tệ quan liêu là nguyên nhân không dẫn đến tham nhũng, lãng phí, đục khoét tài sản của nhà nước, mà còn vô cảm trước những nỗi khổ của người dân".
Nguồn: Báo Giáo Dục Việt Nam