Tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 950 tấn và lên tới 1.150 tấn khi đầy tải; chiều dài 81,8 m; chiều rộng 9,2 m; mớn nước 2,9 m; thủy thủ đoàn 90 người.
Trái tim của Petya là 2 động cơ turbine khí và 1 động cơ diesel có tổng công suất 36.000 mã lực, cho tốc độ tối đa 30 hải lý/h; tầm hoạt động 4.870 hải lý khi chạy với tốc độ 10 hải lý/h, hoặc 450 hải lý khi chạy ở tốc độ lớn nhất.
Hệ thống điện tử của Petya gồm radar Don-2, Slim Net, Hawk Screech, sonar gắn liền Herkules và cả sonar loại nhúng.
Hải quân Việt Nam được Liên Xô viện trợ tổng cộng 5 tàu Petya, gồm 3 chiếc Petya 2 và 2 chiếc Petya III vào thời điểm đầu những năm 1980.
Trong đó 3 chiếc Petya II mang số hiệu 13, 15 và 17, mỗi tàu vũ trang bằng 2 pháo nòng đôi AK-726 cỡ 76 mm; 2 bệ phóng rocket chống ngầm RBU-600 và 2 giàn 5 ống phóng PTA-40-159 mang theo 10 ngư lôi SET-40UE.
Quá trình phát triển SET-40 hoàn thành vào năm 1962 và đến năm 1968 thì phiên bản nâng cấp SET-40U ra đời, đây là thế hệ ngư lôi đầu tiên của Liên Xô có thể tìm kiếm mục tiêu dưới nước thông qua một hệ thống sonar chủ động.
Thông số kỹ thuật cơ bản của ngư lôi SET-40U/ SET-40UE: Trọng lượng 550 kg; dài 4.500 mm; đầu đạn 80 kg; tầm bắn 8.000 m; tốc độ 29 hải lý/h; tầm hoạt động của đầu dò chủ động từ 600 — 800 m.
So sánh với các loại ngư lôi hạng nhẹ hiện đại cỡ 324 mm thì rõ ràng thông số kỹ chiến thuật của SET-40UE tỏ ra thua kém khá nhiều, trong tương lai dự kiến nó sẽ sớm được thay thế bằng những loại tiên tiến hơn.
Một phương án đang được nhắc tới đó là Petya sau khi được Ấn Độ trợ giúp hiện đại hóa thì nó sẽ sử dụng ngư lôi hạng nặng cỡ 533 mm do Việt Nam tự sản xuất trong nước, sau khi bộ phận quan trọng nhất là đầu dò đã được chế tạo thành công.
Nguồn: Báo Đất Việt