Khẩu SKS có trọng lượng 3,85 kg; chiều dài 1.020 — 1.120 mm (tùy thuộc phiên bản) với nòng dài 520 mm; súng sử dụng cơ cấu trích khí bán tự động, cho nhịp bắn khoảng 35 — 40 phát/phút; sơ tốc đầu nòng 735 m/s; tầm bắn hiệu quả 400 m (tăng lên tới 1.000 m khi được bổ sung kính ngắm quang học), hộp tiếp đạn cơ số 10 viên.
Dựa trên khẩu SKS của Liên Xô, vào năm 1956, Trung Quốc đã sản xuất ra biến thể của riêng mình với tên gọi Type 56.
Vũ khí này xuất hiện tại Việt Nam từ đầu thập niên 1960, hiện tại nó không còn trang bị cho bộ đội chính quy mà chỉ được sử dụng cho dân quân tự vệ.
Bình luận về vấn đề này, Sina cho rằng Type 56 là khẩu súng trường tin cậy, dễ sử dụng, một người chưa biết gì về vũ khí chỉ cần huấn luyện trong thời gian rất ngắn là có thể thao tác thuần thục để chống lại đối phương.
Hơn nữa độ bền của phần lớn những khẩu Type 56 do Trung Quốc viện trợ được cho là đều đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, Việt Nam gần đây đã tự sản xuất được nhiều phụ tùng thay thế thiết yếu, giúp kéo dài thời hạn "tại ngũ" của thứ vũ khí bán tự động này.
Sina còn hào hứng cung cấp thêm thông tin rằng khẩu Type 56 vẫn là món vũ khí được ưa chuộng tại nhiều thị trường lớn trên thế giới, nhất là những quốc gia luật pháp không cho phép người dân sở hữu súng trường tự động.
Những khẩu Type 56 hiện đại hóa ngoài bộ phận chính như khóa nòng, nòng, tay cò được giữ nguyên thì phần báng súng, ốp lót tay đều được cấu tạo bởi vật liệu polymer cao phân tử nhẹ và bền hơn nhiều, ngoài ra súng còn có thêm đường ray picatinny để tích hợp thêm phụ kiện như đèn pin chiến thuật hay kính ngắm quang học.
Bởi vậy, việc lực lượng vũ trang Việt Nam vẫn chưa cho khẩu súng trường bán tự động Type 56 "nhận sổ hưu" được cho là vẫn nằm trong xu hướng chung của thế giới, không hề lạc hậu.
Nguồn: Sina, Báo Đất Việt