Giải đấu sôi nổi bậc nhất giành cho lính tăng
Tank Biathlon là giải đấu xe tăng thường niên do Nga tổ chức bắt đầu từ năm 2013. Tính đến năm 2017 đã có tất cả 5 lần được tổ chức, nhưng năm 2013 chỉ có quy mô nhỏ với 4 quốc gia tham dự là Nga, Armenia, Belarus và Kazakhstan, được coi là tiền thân của Tank Biathlon sau này.
Kể từ năm 2014 trở đi, giải đấu mới chính thức mở rộng, và Tank Biathlon 2014 hay còn gọi là Giải đấu tăng lần thứ nhất với sự tham dự của các đội tới từ 12 quốc gia trong số tổng cộng 41 quốc gia được gửi lời mời.
Sau những trận thi đấu diễn ra căng thẳng và sôi nổi tại tại thao trường Alabino, ngoại ô Moscow, đội Nga — chủ nhà đã giành giải nhất.
Phương tiện thi đấu được sử dụng chính là các xe tăng T-72B3 nâng cấp do nước chủ nhà Nga chuẩn bị. Tuy nhiên, có 2 quốc gia ngoại lệ, tự mang xe tăng của mình tới Nga thi đấu, gồm Ấn Độ với xe tăng T-90S Bhishma và Trung Quốc với Type-96A/B.
Kết quả thi đấu qua các mùa giải (2014-2017) cho thấy Nga với ưu thế là chủ nhà và quá quen thuộc với T-72B3 liên tục giành nhiều huy chương vàng nhất, với những chiến thắng áp đảo, xứng đáng đứng vị trí số 1.
Không hài lòng với chất lượng xe tăng T-72B3 do Nga cung cấp ở giải đấu năm 2016, năm nay (2017), Ấn Độ đưa xe tăng T-90S Bhishma của mình tới thi đấu. Mặc dù Ấn Độ cũng quen thuộc với xe tăng T-90S Bhishma từ nhiều năm nhưng không hiểu sao năm nay cũng như các năm trước, chưa lần nào họ lọt vào Top 3 quốc gia giành nhiều huy chương nhất.
Nội dung thi đấu ở Tank Biathlon rất đa dạng từ sử dụng các loại hỏa lực trên xe (pháo chính, tên lửa chống tăng, súng máy đồng trục, súng máy phòng không) diệt các mục tiêu ở nhiều cự ly khác nhau cho tới lái xe vượt các địa hình phức tạp trong thời gian nhanh nhất,…
Việt Nam sẽ đưa xe tăng T-90S đi thi giải Tank Biathlon ở Nga?
Tại giải Tank Biathlon 2017, có một bất ngờ đó là sự xuất hiện của đội CHNDND Lào sử dụng xe tăng T-72B3 do Nga cung cấp để tham gia thi đấu, mặc dù chưa giành giải nhưng có thể nói Lào khá mạnh dạn khi cử lính tăng của mình tới Moscow.
Xem kíp xe tăng Lào vận hành chiếc T-72B3 còn khá lóng ngóng, nhưng có thể sang các mùa giải tiếp theo họ sẽ cải thiện được thành tích của mình.
Còn với Việt Nam, với việc tiếp nhận xe tăng T-90S thế hệ mới tạo ra những tiền đề rất tốt để chúng ta mạnh dạn cử đội của mình tới Nga tham dự giải đấu sôi động này.
Thứ nhất, là cơ hội để những kíp xe tăng Việt Nam đầy bản lĩnh phát huy truyền thống "Đã ra quân là đánh thắng" của Binh chủng Tăng — Thiết giáp đồng thời là một dịp sát hành trình độ làm chủ vũ khí trang bị thế hệ mới, bởi giữa T-72B3 và T-90S có khá nhiều điểm tương đồng.
Thứ hai, là cơ hội để học hỏi những chiêu thức sử dụng xe tăng hiện đại từ các đội bạn tới từ nhiều quốc gia khác nhau, qua đó rút ra những kinh nghiệm quý báu để áp dụng cho công tác huấn luyện và chiến đấu sau này của Bộ đội Tăng — Thiết giáp Việt Nam. Đây chính là việc áp dụng "Học thày không tày học bạn" trong thực tế.
Có ý kiến phân vân rằng liệu Việt Nam mang xe tăng T-90S sang Nga thi đấu hay không nhưng theo chúng tôi là không khả thi bởi quá tốn kém và không cần thiết, đặc biệt là nếu phải dùng máy bay vận tải hạng nặng (như An-124) để không vận ít nhất 2 chiếc xe tăng (1 chính, 1 dự bị) sẽ có chi phí cực kỳ đắt đỏ.
Hơn nữa, như đã nói ở trên, những chiếc T-72B3 và T-90S có khá nhiều điểm tương đồng nên việc làm quen cách thức vận hành, sử dụng vũ khí trang bị để dùng T-72B3 thi đấu với kíp xe tăng Việt Nam là không quá phức tạp.
Hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ được chứng kiến các kíp xe tăng VN thi đấu quyết liệt tại Tank Biathlon với niềm tin rằng họ sẽ chiến thắng nhờ bản lĩnh, sự sáng tạo và nhất là kế thừa truyền thống đánh thắng của lớp lớp cha anh cũng như ký tích đưa xe tăng vượt Trường Sơn, vượt hàng nghìn km, thần tốc tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước.
Nguồn: Thời Đại