Mới chỉ là đổi chủ
Năm 2017 dù cổ phần hóa (CPH) DNNN đã đạt được một số kết quả nhất định. Kết quả bán vốn tại Sabeco và Vinamilk đã giúp Nhà nước thu về một số tiền rất lớn gây ngạc nhiên và mang tới nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, để tiến tới hoàn thành CPH, tạo động lực để nền kinh tế Việt Nam cất cánh, vẫn còn nhiều chuyện phải bàn.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế phân tích những vấn đề còn băn khoăn trong quá trình thực hiện CPH.
Thứ nhất, việc cổ phần hóa còn mang nặng tính hình thức. Cổ phần hóa nhưng chủ yếu là thực hiện thao tác giảm bớt vốn nhà nước để chuyển cho một vài ông chủ nước ngoài hoặc một vài cá nhân, một nhóm cá nhân. Nghĩa là về bản chất, việc cổ phần hóa vẫn còn mang nặng tính thâu tóm. Vì thế, sau cổ phần hóa, các DNNN không thu hút được nhiều nguồn lực mới, nội lực doanh nghiệp không cải thiện.
Việc này rất khác biệt so với cách thức thực hiện cổ phần hóa ở nước ngoài. Trong khi, Việt Nam có thiên hướng muốn bán cổ phần của doanh nghiệp lớn cho cổ đông chi phối, trong khi các nước lại muốn thực hiện cổ phần đại chúng.
Thứ hai, do có thiên hướng bán cổ phần cổ đông chi phối, doanh nghiệp sau CPH không được đại chúng hóa. Về nguyên tắc, công ty đại chúng thì phải thực hiện huy động nguồn vốn rộng rãi từ công chúng thông qua phát hành chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) niêm yết tại các trung tâm giao dịch chứng khoán hoặc chứng khoán không niêm yết nhưng được giao dịch thông qua các thể chế môi giới chứng khoán. Việc này giúp các công ty đại chúng có sự tham gia của nguồn vốn từ bên ngoài với nhiều nhà đầu tư, do đó đặt ra yêu cầu quản trị công ty như là yếu tố khác biệt với vấn đề quản lý công ty (management). Các doanh nghiệp sau CPH ở Việt Nam chưa làm được điều này.
"Thị trường Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị suy giảm. Hiện tượng suy giảm này bị ảnh hưởng lớn từ "cảm hứng" tăng hay giảm giá trị cổ phiếu bán ra trên thị trường.
Ví dụ, sau khi bán vốn Sabeco, thị trường chứng khoán Việt Nam nhận nhiều tin tốt, tạo nền tảng cho các thương vụ bán vốn DNNN tiếp theo. Tuy nhiên, nền tảng thực chất của doanh nghiệp Việt chưa thay đổi, việc tăng giá trị cổ phiếu chỉ mang tính "cảm xúc", bán cổ phiếu chủ yếu thực hiện qua các thương vụ M&A, bán bằng thương hiệu, bán nhờ phương thức bán chứ không bán nhờ vào năng lực của doanh nghiệp. Điều này khiến tôi khá lo ngại. Nếu trải qua một đợt tăng rất mạnh của thị trường chứng khoán năm 2017 và khoảng 3 tháng đầu năm 2018, tương lai thị trường chứng khoán trong nước có thể sẽ rất "mong manh". Rất có thể thị trường chứng khoán sẽ lùi lại giai đoạn suy giảm do bản chất, năng lực thực sự của các doanh nghiệp trong nước không thay đổi. Tăng không tương xứng so với giá", ông Hiển nói.
Theo vị TS, CPH như vậy mới chỉ đạt được một mục đích. Còn nếu để cổ phần hóa gắn liền với tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế thì đề án CPH phải được nhìn nhận lại.
"Khi doanh nghiệp có được nền tảng phát triển tốt, giá trị cổ phiếu sẽ theo đó tăng lên. Khi đó, việc cổ phần hóa chỉ cần để nhà đầu tư và thị trường lựa chọn, quyết định. CPH hiện nay vẫn theo hướng dễ làm, khó bỏ, như vậy nếu CPH hết các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu tốt việc thực hiện CPH các doanh nghiệp tiếp theo trong năm 2018 sẽ vô cùng khó khăn và bị phụ thuộc nhiều vào "cảm hứng" lên xuống của thị trường, vì thế, rất rủi ro", ông Hiển nói.
Chia CPH làm 3 nhóm
TS Đinh Thế Hiển cho biết, khi thực hiện tiến trình CPH DNNN, một trong những mục tiêu được kỳ vọng nhất là Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp đầu tàu, nhằm kết nối với các doanh nghiệp khác, tạo đà phát triển cho toàn ngành, toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện CPH chưa tạo ra được sự gắn kết, tương tác có lợi giữa "con gà và quả trứng".
TS Hiển cảnh báo, việc phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài quá lớn sẽ khiến nền sản xuất trong nước sẽ bị mất tính tự chủ, tạo những mối đe dọa tới mục tiêu an sinh, xã hội và tiềm ẩn nhiều bất ổn khác.
Do đó, ngoài việc xác định lại mục tiêu chiến lược CPH, TS Hiển còn cho rằng việc thực hiện CPH phải được làm 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất, với những DNNN nhưng không thuộc nhóm những doanh nghiệp đầu ngành phải thực hiện cổ phần hóa thật nhanh. Trong quá trình thực hiện CPH chỉ được thực hiện CPH phần giá trị tài sản trên đất. Tài sản là đất không được CPH mà phải trả lại cho Nhà nước quản lý, khai thác, sử dụng theo yêu cầu, mục đích quy hoạch chung.
Nhóm thứ hai, với những DNNN có quy mô tương đối lớn, có năng lực, có thị trường nhưng chưa mang tính đại chúng thì phải xây dựng chiến lược kết hợp giữa CPH với IPO giúp doanh nghiệp có thể huy động được vốn để tái đầu tư, cải thiện năng lực doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động.
Nhóm thứ ba, là nhóm doanh nghiệp có quy mô sản xuất cực lớn, có thương hiệu, có thị trường như Sabeco, Vinamilk… với nhóm doanh nghiệp này phải có phương án rút vốn dần dần. CPH phải gắn với phương án đại chúng hóa doanh nghiệp, đa dạng nguồn vốn, đa dạng nhà đầu tư để tìm phương thức quản trị mới cho doanh nghiệp.
"Chỉ khi làm được như vậy CPH mới đạt được kết quả và CPH mới thực sự tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, vận hành theo cơ chế thị trường. Có như vậy mới mong đạt được kỳ vọng giúp nền kinh tế có thể "hóa rồng" hay "hóa hổ" trong tương lai.
Ngoài ra, ông Hiển cũng cho rằng, đề án thực hiện CPH như hiện nay cũng khó có thể giúp Việt Nam có được một nền kinh tế thị trường hoàn thiện thực sự. Theo ông Hiển, muốn có được một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa thì phải xóa bỏ hoàn toàn mọi cơ chế bao cấp đối với DNNN.
"Cơ chế ưu đãi phải dành chung cho toàn ngành sản xuất thực sự trong nước. Bên cạnh đó, vai trò quản lý Nhà nước phải được trú trọng nâng cao. Khi nào doanh nghiệp trong nước phải gồng mình vừa lo chống tiêu cực vừa tự đi bảo vệ mình trước nạn hàng gian, hàng giả, hàng lậu thì chưa thể mong có được nền kinh tế thị trường", ông Hiển thẳng thắn.
Nguồn: Báo Đất Việt