Dự kiến, ngày 19/3 tới, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).
3 lần góp vốn vào Oceanbank
Theo cáo trạng, sau khi PVN không được thành lập Ngàn hàng TMCP Hồng Việt, ông Đinh La Thăng, lúc đó là Chủ tịch HĐQT PVN chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sự — Phó TGĐ PVN và Nguyễn Xuân Sơn — Trưởng Ban trù bị Ngân hàng TMCP Hồng Việt làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận việc góp vốn, trong đó có Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).
Tháng 9/2008, Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thẳm, Chủ tịch HĐQT Oceanbank trao đổi, bàn bạc về việc PVN góp vốn trở thành cổ đông chiến lược của Oceanbank.
Theo thỏa thuận, PVN góp 20% vốn điều lệ vào Oceanbank, tương đương 400 tỷ đồng, các cổ đông là cán bộ công nhân viên của PVN tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt là 10% vốn điều lệ tại Occanbank. Đồng thời, Oceanbank tiếp nhận các cổ đông này về làm việc cùng cơ sở vật chất, thiết bị đã được đầu tư, mua sắm.
Mặc dù chưa có sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ nhưng ngày 01/10/2008, ông Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết 7289/NQ-DKVN về việc tham gia góp vốn mua cổ phần Ngân hàng TMCP Đại Dương. Ngày 25/12/2008, Ninh Văn Quỳnh — Kế toán trưởng, Trưởng Ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN đã chỉ đạo Ban này tham mưu trình ông Nguyễn Ngọc Sự ký văn bản số 9650/DKVN-TCKT gửi Oceanbank về việc chấp thuận nộp 400 tỷ đồng mua cổ phần tăng vốn điều lệ của Oceanbank bằng nguồn tiền đuợc rút trước hạn trong tổng số 600 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn của PVN tại Oceanbank. Cùng ngày, Oceanbank thực hiện cắt chuyển số tiền này từ tài khoản tiền gửi của PVN sang tài khoản phong tỏa của Oceanbank để hoàn tất việc PVN mua 20% cổ phần tại Oceanbank.
Để tiếp tục thực hiện phương án tăng vốn điều lệ vào Occanbank, ngày 20/5/2010, Nguyễn Ngọc Sự ký văn bản đề nghị HĐQT chấp thuận việc Oceanbank xin tăng vốn điều lệ năm 2010 lên 5.000 tỷ đồng và ông Thăng có ý kiến đồng ý. Sau đó, ngày 31/5/2010, Vũ Khánh Trường — Thành viên HĐQT PVN (được sự uỷ quyền của ông Đinh La Thăng) ký Nghị quyết số 4658 chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ của Oceanbank và PVN góp vốn bổ sung để suy trì giữ 20% vốn điều lệ.
Lần thứ 3, PVN góp thêm 100 tỷ đồng theo nghị quyết số 4266 ngày 16/5/2011, nâng tổng số vốn góp của PVN tại Oceanbank lên 800 tỷ đồng, duy trì tỷ lệ nắm giữ 20% vốn tại Oceanbank sau khi Hà Văn Thắm ký văn bản gửi PVN với nội dung báo cáo về tình hình đăng ký tăng vốn điều lệ, dự kiến điều chỉnh kế hoạch, trong đó đề nghị PVN tiếp tục hỗ trợ và tăng vốn điều lệ.
Bị can Đinh La Thăng giữ vai trò chính
Cũng theo cáo trạng, bị can Đinh La Thăng ký thoả thuận 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà văn Thắm nhưng không thông qua HĐQT; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.
Cụ thể, trên cơ sở thoả thuận số 6934/TTHT ngày 18/9/2008 giữa PVN và Oceanbank, ngày 30/9/2008, ông Đinh La Thăng có tờ trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn mua cổ phần Oceanbank. Mặc dù Thủ tướng chưa cho phép nhưng ngày 01/10/2008, ông Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết 7289/NQ-DKVN về việc tham gia góp vốn mua cổ phần.
Căn cứ vào kết quả làm việc với đại diện Oceanbank, ngày 18/9/2008, Nguyễn Ngọc Sự — Phó Tổng giám đốc PVN ký văn bản sổ 140B/CVNB-NNS gửi ông Đinh La Thăng — Chủ tịch HĐQT PVN báo cáo kết quả đảm phán với Hà Văn Thắm, kèm theo báo cáo đánh giá sơ bộ các chi tiêu tài chính của Oceanbank, trong đó có nêu "…nhìn tổng thể đến 31/3/2008, Oceanbank là Ngân hàng có quy mô nhỏ, khả năng thanh khoản thấp;… Trong bối cảnh kinh tế hiện tại Oceanbank đứng trước khó khăn trong vấn đề huy động vốn với lãi suất hợp lý để cân đối với nguốn sử dụng…". Các báo cáo sau đó cũng nêu hiện trạng yếu kém của Oceanbank nhưng ông Đinh La Thăng không đưa ra bàn bạc, thảo luận và xin ý kiến HĐQT.
Cáo trạng nêu trõ, ngày 30/9/2008, trong cuộc họp HĐQT của PVN do ông Đinh La Thăng chủ trì, ngoài nội dung khác, Nguyễn Xuân Sơn có báo cáo việc Oceanbank mời PVN tham gia góp vốn, trong đó PVN góp 20%, còn cán bộ công nhân viên góp 10%. Từ thời điểm này các thành viên trong HĐQT PVN mới biết việc PVN có chủ trương góp vốn vào Oceanbank, trong khi ông Đinh La Thăng đã ký thoả thuận góp vốn với Hà Văn Thắm — Chủ tịch HĐQT Oceanbank trước đó vào ngày 18/9/2008.
Sau đó, ông Thăng uỷ quyền điều hành để Nguyễn Xuân Sơn ký Nghị quyết 4266 ngày 15/5/2011 về việc chấp thuận điều chỉnh vốn điều lệ của Oceanbank và PVN góp bổ sung 100 tỷ đồng, nâng tổng số vốn lên 800 tỷ đồng để duy trì nắm giữ 20% vốn điều lệ là trái quy định tại khoản 2 điều 55 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.
Như vậy, PVN đã 3 lần góp vốn với tổng số tiền 800 tỷ đồng để nắm giữ 20% vốn điều lệ nhưng toàn bộ số tiền trên đến nay bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại, dẫn đến quyền và nghĩa vụ của các cổ đông Oceanbank chấm dứt, trong đó có PVN.
Theo VKS, trách nhiệm đối với hậu quả thiệt hại nêu trên thuộc về bị can Đinh La Thăng và các đồng phạm, trong đó ông Đinh La Thăng với tư cách là người đứng đầu PVN có trách nhiệm cao nhất trong việc quản lý và bảo toàn vốn của PVN.
Hành vi nêu trên của bị can Đinh La Thăng phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại khoản 3 điều 165 BLHS năm 1999.
Nguồn: VOV