Các bên đã thảo luận những vấn đề thương mại và an ninh khu vực, cuộc đấu tranh chống khủng bố và sự tham gia vào các hiệp hội khu vực. Bản tuyên bố Sydney viết rằng, việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh đặc biệt đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình thiết lập quan hệ gần gũi hơn giữa ASEAN và Australia.
Quá trình xích lại gần sẽ đi đến đâu? Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh đã có tin rằng, Úc có thể trở thành thành viên chính thức của ASEAN. Thông tin này đã xuất hiện sau cuộc phỏng vấn với Fairfax Media của Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ông đã nói, ông ủng hộ việc Úc gia nhập ASEAN.
Tổng thống Joko Widodo giải thích: "Canberra có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc bảo đảm sự ổn định kinh tế và chính trị trong khu vưc".
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull có câu trả lời xã giao: "Chúng tôi sẽ chờ đợi đến khi chúng tôi được mời". Rõ ràng, để giải quyết những vấn đề quan trọng như vậy phải có sự nhất trí trong ASEAN. Mà như được biết, trong ASEAN chưa có sự nhất trí và vẫn chưa rõ liệu có thể đạt được sự nhất trí về nội dung Úc gia nhập tổ chức này. Năm 2002, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã lên tiếng chống lại một đề xuất tương tự. Vào năm ngoái, khi bình luận về khả năng Australia gia nhập ASEAN, cựu tổng thư ký của ASEAN Rodolfo Severino đã tuyên bố: "Nước này không nằm trong khu vực Đông Nam Á". Nhân tiện xin nói luôn, cách đây vài năm Sri Lanka đã bị từ chối vào ASEAN cũng vì lý do này.
Nhưng Úc rõ ràng muốn mở rộng mối quan hệ với ASEAN. Ngay từ năm 1990, cựu thủ tướng Úc Paul Keating đã thúc đẩy ý tưởng Australia trở thành thành viên chính thức của ASEAN. Để ý tưởng này trở nên phổ biến, ông đã hứa với ASEAN rằng, những người Úc sẽ mang lại "kiến thức và kỹ năng" cho hiệp hội. Theo Thủ tướng đương nhiệm Malcolm Turnbull, có đủ cơ sở để Australia trở thành thành viên chính thức của ASEAN. Ví dụ, gần 1 triệu công dân Úc tự coi mình là những người xuất thân từ các nước ASEAN. Đây là một lý do quan trọng có chú ý đến việc tổng dân số của Úc là 23 triệu người.
Hiện nay ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Australia. Dầu, sữa, thịt, bột mì của Úc có thể được thấy trong cửa hàng của nhiều thành phố khu vực Đông Nam Á. Và bây giờ Úc thúc đẩy xuất khẩu kiến thức và công nghệ tiên tiến vào khu vực. Hàng chục nghìn sinh viên từ các quốc gia Đông Nam Á đang du học tại các trường đại học của Úc, nắm vững tất cả những kiến thức mà người Úc đã tích lũy được. Tại Hội nghị thượng đỉnh Sydney, Chính phủ Úc đã hứa sẽ cấp 23 triệu đô cho các dự án tạo ra "những thành phố thông minh" ở các nước ASEAN.
Tuy nhiên, không có nghi ngờ gì rằng, khi mở rộng hợp tác với ASEAN Úc cũng đang theo đuổi những mục tiêu chính trị: cùng với các nước ASEAN chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, cụ thể — chống lại chính sách của Bắc Kinh ở Biển Đông. Không nên quên rằng, theo truyền thống, trong chính sách đối ngoại Australia đi theo Mỹ, đặc biệt trong các vấn đề quốc phòng và an ninh. Liệu sự hợp tác chặt chẽ của Australia với ASEAN có thể làm giảm cân bằng trong khu vực?
Úc là một nước phương Tây về tất cả mọi khía cạnh. Phần lớn dân số Australia là những người xuất thân từ Anh và Ai Len. Trong lĩnh vực chính trị, đây là một quốc gia với vô số quyền tự do và dân chủ. Nếu Úc gia nhập ASEAN thì chắc chắn sẽ thúc đẩy các tiêu chuẩn này vào cuộc sống chính trị của Đông Nam Á. Ngay bây giờ, Canberra chỉ trích tình hình với quyền công dân ở các nước trong khu vực.
Theo Malcolm Turnbull, Hội nghị thượng đỉnh Sydney là "thời điểm lịch sử khi đất nước ông bắt đầu tham gia giải quyết các vấn đề trong khu vực". Có lẽ nên dừng lại ở đây? Liệu cộng đồng ASEAN có nhu cầu về một thành viên như vậy? Ý tưởng của Tổng thống Indonesia Joko Widodo không nhận được sự ủng hộ tại Sydney. Xét theo mọi việc, có những người thông minh chia sẻ quan điểm của Mahathir Mohamad và Rodolfo Severino.