Ngày 8.3.2018, tại phiên thảo luận về dự thảo nghị định thay thế nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bộ trưởng bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nói:
"Phải quản lý Uber, Grab như một hãng taxi. Nếu không quản được theo hướng này sẽ chưa ban hành nghị định mới".
Ngày 9.3.2018, trước phát biểu của bộ trưởng bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, ông Jerry Lim, giám đốc Grab Việt Nam đã có văn bản phản hồi gởi bộ GTVT, cũng như các cơ quan báo chí.
Văn bản viết:
"Chính phủ Việt Nam là một Chính phủ đồng thuận và luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Do vậy, chúng tôi hết sức quan ngại về phát biểu của bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Xây dựng các khuôn khổ pháp lý đối với dịch vụ kết nối xe hợp đồng điện tử là một công việc phức tạp và đòi hỏi sự suy xét, tham vấn cẩn trọng giữa nhiều bên liên quan. Chúng tôi hiểu rằng việc xác định loại hình kinh doanh cho các dịch vụ kết nối xe hợp đồng điện tử, là một quyết định quan trọng và cần thiết. Các doanh nghiệp như Grab đã và đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía người dân, do góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, thông qua việc tận dụng sự nhanh nhạy, cũng như các tiện ích của công nghệ cao".
"Định danh Grab là công ty taxi không chỉ phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ, nỗ lực của Grab trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam, mà còn là một bước lùi của Việt Nam trong quá trình kiến tạo, xây dựng một quốc gia khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0! Là một công ty công nghệ, chúng tôi hỗ trợ kết nối taxi, xe máy và ô tô gần nhất với khách hàng, không sở hữu xe hay bất cứ tài xế nào".
Ông Jerry Lim cho rằng, mô hình hoạt động của Grab hay các hãng tương tự không phải là mô hình hoạt động taxi truyền thống, vì những điều sau đây. Thứ nhất, các tài xế chọn nền tảng kết nối của Grab vì sự tự do và linh hoạt, dù đó là lái xe toàn thời gian hay chỉ lái vào những lúc nhàn rỗi. Thứ hai, tham gia Grab là sử dụng xe cá nhân tăng thêm thu nhập. Thứ ba, khách hàng chọn Grab vì di chuyển nhanh hơn, minh bạch về giá, tiện lợi, thoải mái và an toàn (?). "Lợi thế của nền kinh tế chia sẻ và nền kinh tế kỹ thuật số sẽ hoàn toàn biến mất, nếu Grab bị buộc phải áp dụng mô hình kinh doanh của các công ty taxi", ông Jerry Lim viết tiếp.
"Chính phủ Việt Nam sẽ có một cách tiếp cận cởi mở và toàn diện khi hoạch định chính sách quản lý các nền tảng công nghệ số mới, để Việt Nam có thể bắt kịp cuộc đua toàn cầu hướng đến nền kinh tế kỹ thuật số. Cả khu vực Đông Nam Á đang dõi theo, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang dõi theo động thái của Chính phủ Việt Nam trong sự kiện này". Cũng trong văn bản này, phía Grab Việt Nam cũng có lời hứa rằng, "sẽ tiếp tục mang đến Việt Nam những thành quả công nghệ sáng tạo đột phá của Grab, mà người dân các quốc gia Đông Nam Á (Singapore, Malaysia và Thái Lan) khác đang tận hưởng, điển hình là dịch vụ JustGrab, cũng như xây dựng hệ sinh thái kết nối hàng loạt dịch vụ cho khách hàng, từ giao thông, giao nhận thức ăn, logistics, cho đến ví điện tử…
Câu chuyện của Grab vẫn còn "nhiều chông gai ở phía trước". Ngày 7.3.2018, TAND TP.HCM ra phán quyết "tạm đình chỉ giải quyết vụ án để thu thập thêm thông tin từ bộ GTVT, sở GTVT và sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM". Trước đó, ngày 6.2.2018, toà án này xét xử đơn khiếu nại của công ty taxi Ánh Dương (Vinasun) yêu cầu "Grab Việt Nam bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với khoản lợi nhuận bị sụt giảm hơn 40 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017"! Grab Việt Nam cho rằng, mục đích của việc kiện cáo trên là Vinasun muốn tác động đến Chính phủ không cho gia hạn đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử, vốn đã hết hiệu lực từ tháng 1.2018. Hãy chờ TAND TP.HCM mở phiên lần thứ ba về vụ việc này vậy.
Theo: Thế Giới Tiếp Thị