Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là một vấn đề được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm.
Thậm chí có những thời điểm cục diện bán đảo này đã khiến cho cả thế giới lâm vào trạng thái nghẹt thở vì nỗi ám ảnh về "ngày tận thế" đang đến gần, bởi một cuộc chiến tranh hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân sắp xẩy ra trên phạm vi toàn cầu.
Hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể nói là hệ quả tất yếu của mối quan hệ thù địch giữa hai chiến tuyến, kéo dài chí ít là từ năm 1950, khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, cho đên ngày nay.
Một bên là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và đồng minh, đối đầu với một bên là Đại Hàn Dân Quốc và đồng minh. Những kẻ chống lưng, hà hơi tiếp sức cho 2 miền Triều Tiên là ai hẳn không ai là không biết.
Sự đối địch đó đã diễn biến ngày càng căng thẳng, phức tạp, nhất là từ sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Tuy nhiên, tùy theo tính cách của những "người cầm lái vĩ đại" và bối cảnh chính trị, khả năng kinh tế, an ninh quốc phòng…của Triều Tiên, Hàn Quốc, cũng như các nước đồng minh liên quan khác, mức độ và hình thức đối đầu cũng diễn biến khác nhau.
So với người cha quá cố thì ông Kim Jong-un, thông qua những lời nói và hành xử trước những thách thức trên nhiều lĩnh vực kể từ khi ông lên cấm quyền đến nay, đã cho thiên hạ thấy rõ ý nghĩa sâu sắc của câu châm ngôn "con hơn cha là nhà có phúc".
Bởi sự "bướng bỉnh" này không phải dựa trên lập trường cứng nhắc, duy ý chí, thoát ly khỏi sự tồn vong của dân tộc, chủ quyền quốc gia và sự công bằng, bình đẳng trong quan hệ quốc tế.
Mà nó xuất phát từ sự kết hợp giữa truyền thống bất khuất, quật cường của dân tộc mình, của gia đình, với kiến thức văn hóa, nền văn minh nhân loại mà nhà lãnh đạo trẻ này đã tiếp thu được qua nhiều năm du học ở phương Tây.
Kết quả là, sau nhiều lần đe dọa, gây sức ép quân sự, trừng phạt, bao vây kinh tế, cô lập ngoại giao không thành, ngày 8/3/2018, Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại một địa điểm và thời gian chưa xác định;
Và Chủ tịch Kim Jong-un của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã được Bắc Kinh đón tiếp trọng thị trong tư thế của một nguyên thủ quốc gia "ngang hàng" Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh là chuyến công du xuất ngoại đầu tiên với thái độ đầy bản lĩnh và tự tin, nhưng không kém phần khiêm nhường, cầu thị.
Tất nhiên, để có được sự khởi đầu quý giá này trong bối cảnh quốc tế hiện nay, chúng tôi nghĩ không thể không đánh giá cao thiện chí, tài năng và trách nhiệm của các nguyên thủ quốc gia có liên quan khác.
Trong đó, không thể không kể đến vai trò của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cộng đồng quốc tế tin tưởng cuộc gặp gỡ mang tầm vóc lịch sử nhân loại nói trên sẽ được tổ chức đúng dự kiến và sẽ có tiến triển khả quan.
Vấn đề là hiện đang chưa rõ liệu cuộc gặp gỡ này sẽ diễn ra ở nơi nào được coi là "đất lành" để "chim đậu"?
Nhà nghiên cứu Vũ Minh Khương từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore có bài viết trên Tạp chí National Interest đánh giá, Hà Nội sẽ là địa điểm mang tính biểu tượng rất lớn, đáp ứng ba tiêu chí quan trọng cho một kết quả thành công cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ — Triều.
Ông Vũ Minh Khương nhận định, nếu được chọn một địa điểm lý tưởng nhất để tiến hành cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên thì đó chính là Hà Nội, Việt Nam.
Theo tác giả, địa điểm diễn ra cuộc họp sẽ mang tính biểu tượng rất lớn và có thể là một bước đi chiến lược có giá trị cho cả hai bên. Do vậy, Hà Nội sẽ là một sự lựa chọn lý tưởng, đáp ứng ba tiêu chí quan trọng cho một kết quả thành công.
Đầu tiên, Việt Nam là quốc gia luôn thể hiện sự quan tâm nghiêm túc đối với tiến trình cải thiện cơ bản quan hệ Mỹ- Triều Tiên.
Thứ hai, bằng cách chọn Hà Nội làm địa điểm họp, Mỹ-Triều Tiên sẽ chứng minh rằng họ nghiêm túc về những thay đổi cơ bản trong chính sách mà cả hai dành cho nhau.
Hà Nội cũng là một ví dụ thể hiện rõ ràng nhất về điều này.
Chỉ trong vài thập kỷ, quan hệ Mỹ-Việt Nam chính thức bình thường hóa, gác lại quá khứ để mở ra một chương mới trong lịch sử hai quốc gia, chuyển đổi từ thù địch sang hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau về nhiều lĩnh vực.
Người Mỹ giờ đây được chào đón ở Hà Nội, nơi đã trở thành một trung tâm trao đổi kinh tế, du lịch và tương tác văn hóa của Việt Nam ra thế giới.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ năm 1994 và bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995 đã có một tác động chuyển đổi đối với nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam.
Xuất khẩu của Việt Nam tăng gấp 200 lần trong khoảng thời gian từ năm 1986 đến năm 2016 và đạt 213 tỷ USD vào năm 2017, trong đó 80% là hàng sản xuất, tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chiếm thị phần đáng kể.
Hơn nữa, Việt Nam đã vượt xa nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực, bao gồm Indonesia và Philippines, trên tổng giá trị hàng xuất khẩu sản xuất.
Cả Việt Nam và Mỹ đều nhất trí tăng cường hợp tác chiến lược và có những nỗ lực mạnh mẽ để làm sâu sắc hơn mối quan hệ của cả hai.
Thứ ba, bằng việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội, Mỹ và Triều Tiên sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ cho cộng đồng quốc tế về cách tiếp cận mà họ dự định cải thiện quan hệ.
Việt Nam là một ví dụ mà Triều Tiên có thể xem xét áp dụng các chiến lược bình thường hóa quan hệ với Mỹ và thúc đẩy cải cách kinh tế của mình.
Trong khi Hà Nội là một sự lựa chọn lý tưởng khi Mỹ và Triều Tiên xem xét các bước tiếp theo để biến Hội nghị Thượng đỉnh thành một tiến bộ đáng kể trong quan hệ của cả hai.
Nếu chọn cải cách và theo đuổi mở cửa thương mại, Bình Nhưỡng có thể sớm trở thành một trong những điểm đến đầu tư kinh tế mới nổi hấp dẫn nhất và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Thông qua kinh nghiệm gần đây của mình, Việt Nam có thể cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách Triều Tiên những lời khuyên về cách chuyển đổi từ một nền kinh tế độc lập và khép kín sang hội nhập nền kinh tế toàn cầu.
Sự thay đổi này dường như không dễ dàng, nhưng bây giờ là một cơ hội hiếm hoi để hy vọng về một Triều Tiên mở cửa và thịnh vượng.
Tất cả những ý tưởng trên cần được phía Mỹ và Triều Tiên đưa lên bàn thảo luận ngay lúc này, bao gồm cả một Hội nghị Thượng đỉnh do Hà Nội làm chủ nhà.
Ngoài 3 lý do trên, chúng tôi nhận thấy có một lý do không kém phần quan trọng là giữa dân tộc Việt Nam và dân tộc Triều Tiên đều cùng chung một cảnh ngộ.
Tuy nhiên, vì những nguyên nhân khác nhau, dân tộc Triều Tiên hiện vẫn tiếp tục bị chia cách 2 miền với 2 chế độ chính trị khác nhau;
Trong khi đó Việt Nam đã được thống nhất, trở thành một quốc gia độc lập, có chủ quyền và đang thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác, phát triển, theo chủ trương "Việt Nam muốn là bạn của mọi quốc gia, dân tộc"; "gác lại quá khứ, hướng về tương lai"…
Từ thực tế lịch sử đó, cùng với với mối quan hệ truyền thống, chiến lược với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ và Hàn Quốc, Việt Nam có thể được các bên lựa chọn làm địa điểm trung lập, thích hợp cho các cuộc tiếp xúc lịch sử này.
Phải chăng Hà Nội sẽ là nơi "đất lành, chim đậu"? Và nếu được chọn, nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ làm hết sức mình để xứng đáng vời niềm tin yêu của công đồng quốc tế.
Cho nên chẳng phải ngẫu nhiên mà cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Richard Armitage lại buột miệng nhắc đến Việt Nam với Nikkei Asia Review trong bài phỏng vấn đăng ngày 2/4.
Về địa điểm của hội nghị thượng đỉnh Mỹ — Triều, ông Richard Armitage cho biết, Washington sẽ là một lựa chọn tốt. Ông nói:
"Nếu ai đó mời bạn, cho dù đó là Nhật Bản, Việt Nam hay bất cứ nơi đâu, để chọn đất nước họ, đó là vinh dự rất lớn. Vì vậy nếu ông Kim Jong-un được mời đến đây, tôi nghĩ ông ấy sẽ cân nhắc về nó. Cuộc gặp với Donald Trump ở Washington sẽ cho phép Kim Jong-un gây ấn tượng với công chúng tại Bắc Triều Tiên. Người dân Triều Tiên sẽ thấy gì? Đó là sự bình đẳng giữa Tổng thống Hoa Kỳ và Chủ tịch Triều Tiên."
Bình luận của nhà ngoại giao Richard Armitage như một lời gợi ý hay một chiến dịch vận động hành lang khéo léo để kéo cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Kim Jong-un về phía Mỹ, thì tại sao Việt Nam lại không?
Và nếu có một lời mời từ Việt Nam trong tình huống này, chúng tôi hoàn toàn đánh giá cao và cho rằng, đó là sự chủ động cần thiết.
Còn ý kiến lo ngại về phản ứng không vui từ một "bên thứ ba" nào đó, chúng tôi cho rằng không đủ cơ sở và thể hiện tâm lý thiếu tự tin, thiếu tự chủ về đối ngoại.
TS Trần Công Trục
Theo: GDVN