Một số Luật sư, chuyên gia tài chính — kinh tế bình luận với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, dự thảo đánh thuế tài sản với nhà trị giá hơn 700 triệu đồng vừa được Bộ Tài chính nêu ra cần được tính toán cụ thể nếu không sẽ tạo ra sự phản ứng tiêu cực của xã hội.
Hôm 16/4, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đưa ra bình luận về dự thảo này như sau:
"Thứ nhất, tại sao mức thu nhập của người dân Việt Nam còn hạn chế, mà Bộ Tài chính lại đưa ra dự thảo áp dụng hình thức thu thuế như các nước tiên tiến, phát triển có thu nhập đầu người lên cả chục nghìn USD/người/năm? Điều này liệu có phù hợp với đời sống kinh tế của người dân Việt Nam? Tại sao mức đánh thuế nhà không phải là con số khác mà lại là 700 triệu đồng? Tại sao lại dự kiến đánh thuế (nhà, đất) tài sản không dịch chuyển? Nếu người dân không có tiền đóng thuế, không lẽ đuổi họ ra để lấy nhà à?", Luật sư Thuận phân vân.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, chỉ nên tính thuế đối với các hoạt động giao dịch (nhà, đất) chứ không nên tính thuế theo xu hướng thuế chồng thuế như dự thảo do Bộ Tài chính vừa đưa ra.
Sức dân hao mòn, lấy động lực đâu mà phát triển?
Dưới góc nhìn tài chính — kinh tế, Tiến Sĩ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, thu thuế bất động sản là chủ trương chung của tất cả nền kinh tế thị trường, nhằm tăng thu ngân sách và phân phối lại thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Kiêm:
"Ở nước ta, thu nhập của người dân so với thế giới chưa cao, chưa công bằng giữa các thành phần. Đại đa số là người có thu nhập thấp. Chỉ một bộ phận nhỏ có thu nhập cao, thậm chí có người có những khoản thu nhập không chính đáng. Cho nên, việc tính thuế phải rất thận trọng và phải căn cứ vào thực tế nguồn ngân sách, sự công bằng trong thu nhập của tầng lớp dân cư, sự hoàn chỉnh của hệ thống pháp luật. Hay nói cách khác, nếu tính thuế thì phải thực hiện theo lộ trình, phân loại đối tượng cụ thể, đặc biệt là nguồn thu nhập của người dân, và khả năng đảm bảo đời sống tối thiểu của họ; đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế và sự ưu việt của xã hội chúng ta. Còn nếu đơn thuần tăng thu thuế để đảm bảo ngân sách thì cũng không ổn", ông Cao Sỹ Kiêm nêu ý kiến.
"Nếu việc thu thuế chỉ thực hiện từ một phía (Bộ Tài chính) thì lợi bất cập hại, hạn chế động lực phát triển của đất nước.
Do đó cần thận trọng, cần nhắc, phân loại đối tượng nếu áp dụng thu thuế, và mức thuế đó phải được người dân chấp nhận và đáp ứng được yêu cầu ngân sách.
Đây là bài toán không hề đơn giản, cần tính toán thận trọng", ông Cao Sỹ Kiêm nhận định.
Theo: Giáo dục Việt Nam