FTA, CPTPP sẽ tạo đà cho xuất khẩu Việt Nam
Như đã đưa tin, ngày 23/4 Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước và các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu.
Đánh giá về cơ hội xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, nhu cầu thế giới sẽ tiếp tục phục hồi do tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 được dự báo khả quan.
Cụ thể, tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ được dự báo ước đạt 2,7% dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có xu hướng thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt. Trung Quốc thực thi chiến lược cải cách kinh tế với mục tiêu cắt giảm sản lượng công nghiệp, làm sạch môi trường, giảm tình trạng đầu cơ và kiềm chế tăng trưởng tín dụng, dự báo sẽ có tác động tích cực lên nguồn cung toàn cầu, giúp tăng giá hàng hóa xuất khẩu.
Tại Liên minh châu Âu (EU), mặc dù tiềm ẩn rủi ro sau sự kiện Brexit và dư âm từ làn sóng di cư, các nền kinh tế Đức, Ý, Hà Lan được dự báo tăng trưởng cao với nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.
Hay, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam — EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam có thêm năng lực sản xuất mới.
Đầu tư trong nước được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định, dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới.
"Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp.
Thương mại toàn cầu biến động, xuất khẩu phải "dè chừng"
Bên cạnh những thuận lợi, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 cũng đối mặt nhiều rủi ro, thách thức. Khó khăn đầu tiên được Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ ra là thương mại toàn cầu năm 2018 vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây.
"Nguy cơ về một cuộc chiến tranh thương mại giữa các cường quốc tuy không lớn nhưng vẫn âm ỉ, dẫn đến tâm lý không an tâm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư", ông Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương lấy một ví dụ khác như mức thuế chống bán phá giá cá tra — basa mới được công bố gần đây cũng cao một cách bất thường, nên có thể nói Hoa Kỳ đang bảo hộ quá mức.
Một số nước khác thậm chí cũng sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước như Indonesia chỉ cho phép nhập khẩu điện thoại thông minh nếu công ty làm ra điện thoại đó cũng có cơ sở sản xuất ở Indonesia, hay Ấn Độ cấm nhập khẩu hạt tiêu nếu giá bán vào Ấn Độ thấp hơn một mức giá tối thiểu do Chính phủ nước này đặt ra.
Khó khăn tiếp theo đối với xuất khẩu của Việt Nam là nhận thức của người dân cũng như của Chính phủ các nước về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe.
Thách thức khác là giá nông sản đã tăng khá tốt trong năm qua nên khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhờ yếu tố giá không còn nhiều.
Trên cơ sở chỉ ra những thuận lợi, khó khăn đối với xuất khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2018.
Các giải pháp này được chia thành 3 nhóm lớn, chủ yếu hướng vào khối doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm nhóm giải pháp tác động vào phía cung; nhóm giải pháp tác động vào phía cầu; và nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối giữa cung và cầu.
Nhóm giải pháp tác động vào phía cầu bao gồm đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, tăng cường các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định.
Các giải pháp hỗ trợ hoạt động xuất khẩu bao gồm: cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu.
Theo: VNEconomy