Sáng 24/4, Bộ trưởng — Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp rà soát tình hình thực thiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và tình hình chuẩn bị, gửi hồ sơ các báo cáo, đề án, dự án trình kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.
Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng — Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề cập tình trạng một số bộ, ngành lơ là nhiệm vụ xây dựng thể chế, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của mình.
"UB Thường vụ Quốc hội mới đây đã chính thức phê bình chúng ta khi một số dự án luật chuẩn bị chất lượng chưa đảm bảo, nội dung còn sơ sài, chưa đầu tư. Nhiều báo cáo, văn bản trong hồ sơ dự án luật thậm chí như… bản nháp, không ký, không đóng dấu theo đúng quy định" — Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.
Ông Dũng cũng phê bình một số bộ không có lãnh đạo dự cuộc họp hôm nay mà chỉ cử Vụ trưởng hoặc Chánh văn phòng đến dự. Bộ trưởng Dũng đặc biệt nhắc nhở Bộ Tư pháp khi không cử lãnh đạo nào dự họp trong khi "đây đáng ra là nhiệm vụ của anh mà cuối cùng Văn phòng Chính phủ lại phải làm thay".
Báo cáo của Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ thể hiện, theo chương trình, trong năm 2018, có 11 dự án luật các bộ, ngành phải trình Chính phủ xem xét, thông qua. Đến nay, có 7 dự án luật đã hoàn thành, thông qua được theo đúng chương trình. 2 dự án luật sẽ trình Chính phủ xem xét trong tháng 6, tháng 7.
Có 1 dự án luật xin rút khỏi chương trình là luật Công an xã.
Ngoài 11 dự án luật này, có thêm 4 dự án luật Chính phủ đã thông qua, đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 5 của Quốc hội là Luật Công an nhân dân sửa đổi; luật sửa đổi, bổ sung luật Đầu tư công; luật sửa đổi, bổ sung 4 luật về xây dựng (luật Xây dựng, luật Nhà ở, luật Quy hoạch đô thị, luật Kinh doanh bất động sản) và luật sửa đổi, bổ sung 10 luật liên quan đến quy hoạch.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Pháp luật cho biết, hiện chỉ có luật sửa đổi bổ sung 4 luật về xây dựng kịp trình phiên họp thứ 23 của UB Thường vụ Quốc hội diễn ra ít ngày trước.
Các Bộ cũng đang còn nợ 8 thông tư, 2 thông tư liên tịch.
Theo thống kê, từ 1/7 tới có 8 luật có hiệu lực thi hành, cần 21 nghị định quy định chi tiết, 42 thông tư cần ban hành. Khối lượng văn bản cần hoàn thành rất lớn, thời gian gấp rút. Văn phòng Chính phủ đốc thúc các bộ, ngành tập trung cho những văn bản còn nợ.
Theo: Dân Trí