Ông Kiều Hữu Dũng là một trong những đại gia ngân hàng có tiếng ở Việt Nam. Tên tuổi ông Dũng gắn liền với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Ngoài ngân hàng, ông còn góp mặt ở nhiều lĩnh vực khác như tài chính, chứng khoán, bất động sản…
Dưới thời "huyền thoại ngân hàng" Trầm Bê, ông Dũng nắm giữ chức vụ rất cao. Thế nhưng, khi đại án Trầm Bê nổ ra, nhiều người bị liên lụy, ông Kiều Hữu Dũng may mắn "tránh bão" thành công. Tuy nhiên, mới đây, vận đen đã theo chân khi ông và đoàn công tác KDI Holdings bị cướp ở Nam Phi.
Gặp vận đen ở Nam Phi
Trưa 23/6, đoàn doanh nhân cao cấp của KDI Holdings do ông Kiều Hữu Dũng dẫn đầu bị cướp ở gần sân bay Nam Phi. Đoàn gồm 20 người bao gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch, Tổng giám đốc và Giám đốc các khối của công ty KDI Holdings.
Đoàn đi du lịch theo chế độ thường niên của KDI đã bị một đoàn cướp có vũ trang khống chế và cướp cách sân bay Nam Phi 40km. Số tiền bị cướp khả năng rất lớn. Hiện, đoàn đang nhờ đại sứ quán tại Nam Phi hỗ trợ.
Ông Kiều Hữu Dũng có duyên nợ với Sacombank cùng thời điểm gia đình ông Trầm Bê. Cuối tháng 5/2012, ông Dũng với vị trí Phó chủ tịch kiêm Thành viên Hội đồng quản trị độc lập, cùng thời điểm gia đình ông Trầm Bê xuất hiện tại ngân hàng này.
Năm 2012 là thời điểm Sacombank chìm trong khủng hoảng, nhân sự cấp cao của ngân hàng này liên tục biến động. Tới năm 2014, ông Dũng ngồi lên ghế cao nhất. Đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank.
Chưa có tài liệu nào khẳng định mức độ thân thiện của ông Dũng với gia đình ông Trầm Bê. Nhưng các sự kiện cho thấy, gia đình ông Trầm Bê được hưởng lợi khá nhiều từ các quyết định do ông Dũng đưa ra.
Đến ngày 22/3 năm nay, ông Kiều Hữu Dũng bất ngờ có đơn từ nhiệm và chính thức "chia tay" Sacombank. Ông Dũng là nhân sự cuối cùng trong ban lãnh đạo Sacombank thời ông Trầm Bê ra đi.
Khi đại án Trầm Bê nổ ra, ông Trầm Bê phải đứng trước vành móng ngựa. Và rất may mắn, cái tên Kiều Hữu Dũng không được nhắc tới trong đại án này.
Ông Kiều Hữu Dũng giàu thế nào?
Sacombank đã sản sinh ra hàng loạt đại gia ngân hàng như Trầm gia (Trầm Bê, Trầm Trọng Ngân, Trầm Khải Hòa, Trầm Thuyết Kiều), Đặng gia (Đặng Văn Thành, Đặng Hồng Anh) và ông Dương Công Minh. Tất cả các đại gia này đều từng góp mặt trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Dù vậy, điều đó không có nghĩa ông Dũng là "người nghèo". Tài sản của ông Dũng không nằm ở Sacombank mà được "cất giữ" ở nhiều doanh nghiệp khác.
Giữa năm 2017, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản DPV (DPV Property) đã mua vào 13 triệu cổ phiếu FIT, tương đương 5,12% cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T. Tính theo thị giá thời điểm đó, lượng cổ phiếu này có trị giá gần 160 tỷ đồng.
Thương vụ này được chú ý cái tên Kiều Hữu Dũng hơn là giá trị thương vụ. DPV thành lập vào tháng 12/2014 với vốn điều lệ 868 tỷ đồng, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Trong đó, ông Kiều Hữu Dũng góp 347,2 tỷ đồng, tương đương 40% vốn điều lệ và giữ vị trí Tổng giám đốc.
Ngoài ra, như đã nói ở trên, ông Dũng còn là ông chủ của KDI Holdings. KDI Holdings thành lập năm 2016. Ngành nghề kinh doanh là: hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính; tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất; kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; vận tải hành khách đường bộ; cho thuê ô tô…
Ông Kiều Hữu Dũng là người đại diện pháp luật của KDI Holdings.
Theo: VTCNews