"Căn bệnh hòa bình"
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP — Hồng Kông), trong một bài xã luận đăng tải ngày 2/7 vừa qua trên tờ PLA Daily — cơ quan ngôn luận chính thức của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), một ý kiến đã cho rằng quân đội nước này đang mắc "căn bệnh hòa bình".
Bài xã luận trên cho rằng "căn bệnh hòa bình" đã xâm nhập vào mọi ngóc ngách của PLA kể từ cuối thập niên 70. Căn bệnh ấy đã ảnh hưởng xấu đến lực lượng quân đội đông nhất thế giới, khiến các quân nhân Trung Quốc thiếu tính sẵn sàng và làm giảm năng lực chiến đấu của họ.
Trong thời gian gần đây, chính quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã rất nỗ lực trong việc củng cố và thay đổi hình ảnh quân đội nước nhà, cụ thể là nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu và loại bỏ nạn hối lộ, tham nhũng trong quân đội.
Ông Tập đã thực hiện các chính sách cải cách quân đội, bao gồm cắt giảm quân số và chú trọng hơn vào việc huấn luyện.
"Căn bệnh hòa bình đã trở thành thực trạng phổ biến của quân đội Trung Quốc trong nhiều thập niên qua", theo bài xã luận trên tờ PLA Daily, "Nếu [quân đội] không quyết tâm loại bỏ những hành vi xấu, thì Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt nếu chiến tranh nổ ra".
Theo PLA Daily, "[Quân đội Trung Quốc] chỉ có thể ngăn chặn chiến tranh khi họ đủ năng lực chiến đấu".
Từ "săn hổ lớn" chuyển thành "cấm lơ là nhiệm vụ"
Theo SCMP, ông Tập đã lệnh cho PLA phải trở thành lực lượng quân đội tầm cỡ thế giới trong vòng 3 thập niên tới.
Do đó, nhằm đạt được mục tiêu đầy tham vọng của ông Tập, quân đội Trung Quốc cần học tập các nước phương Tây, nhất là Mỹ, trong vấn đề tập trận. Điều này có nghĩa là Trung Quốc cần thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật — dưới sự giám sát của các thanh tra nhằm đảm bảo tính liêm chính của các cuộc tập trận ấy.
Ông Yue Gang, một đại tá về hưu của PLA, cho biết quân đội Trung Quốc đang chuyển trọng tâm từ cuộc chiến "bắt hổ lớn" chống tham nhũng sang "cấm lơ là nhiệm vụ".
"Bên cạnh tham nhũng, lơ là nhiệm vụ cũng là một trong những triệu chứng của 'căn bệnh hòa bình' trong quân đội cần được giải quyết", ông Yue nhắc tới những chỉ huy quân đội đã có hành vi khai khống hoặc làm báo cáo giả về các cuộc tập trận thường kì.
"Các quan chức quân sự lơ là nhiệm vụ và thực hiện hành vi khai khống sẽ được đưa đến tòa án quân sự và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chắc chắn các biện pháp trừng phạt mới sẽ hà khắc hơn những năm trước rất nhiều", ông Yue cho hay.
"Một quan chức quân đội không tham nhũng chưa chắc đã đủ tiêu chuẩn đứng trong hàng ngũ quân đội. Quân nhân Trung Quốc được nhận đãi ngộ và phúc lợi theo tiêu chuẩn quốc tế, do đó việc huấn luyện họ cũng phải tương ứng với chuẩn quốc tế. Nếu không thực hiện điều đó, thì quân đội Trung Quốc sẽ đối mặt những hậu quả nghiêm trọng", ông Yue nói.
Khi hai ông Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu còn giữ chức phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc hồi đầu thập niên 2000, các cuộc tập trận quân sự thường được tiến hành để phô diễn nhằm mục đích kiếm lợi nhuận từ các nguồn tài trợ. Hơn nữa, các chỉ huy thường xuyên tham gia tập trận sẽ có nhiều cơ hội được thăng chức hơn.
Theo PLA Daily, ít nhất 13.000 sĩ quan quân đội Trung Quốc dính líu tới tham nhũng đã bị trừng phạt trong vòng 5 năm qua.
Theo: SCMP, Thời Đại