Việc Mỹ và Trung Quốc tiến sát bờ vực chiến tranh thương mại đã giúp đẩy mạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam — Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) nhận định.
Theo tờ báo này, xu hướng sẵn có — trong đó các công ty nước ngoài chuyển khỏi Trung Quốc để tránh chi phí tăng, đến mở nhà máy tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam — càng được đẩy nhanh hơn trong bối cảnh xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bất chấp cảnh báo của các chuyên gia kinh tế cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể ảnh hưởng gián tiếp đến tăng trưởng của Đông Nam Á, khu vực này vẫn được xem là một điểm đến hấp dẫn cho các công ty nước ngoài chuyển sản xuát khỏi Trung Quốc — nơi tiền lương tăng mạnh đã và đang đẩy chi phí sản xuất lên cao.
"Đây là sự đẩy nhanh của một xu hướng sẵn có", ông Adam McCarty, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Mekong Economics tại Hà Nội, phát biểu. "Xung đột thương mại Mỹ-Trung đã tạo ra một cú huých trong mấy tháng qua, khiến mọi người điều chỉnh lại chiến lược rủi ro quốc gia cho phù hợp với cac hành động thương mại leo thang".
Trong số các công ty nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc đại lục sang Việt Nam, có nhiều công ty Hồng Kông.
Tháng trước, Man Wah Holdings, một công ty đồ nội thất Hồng Kông vốn chỉ có nhà máy ở Trung Quốc đại lục, đã mua lại một công ty sản xuất và xuất khẩu sofa của Việt Nam với giá 68 triệu USD.
Hung Hing Printing Group, một công ty Hồng Kông khác vốn chỉ sản xuất ở Trung Quốc đại lục, cũng đã tới Việt Nam bằng cách mở một nhà máy in và đóng gói mới ở Hà Nội.
Thị trường tiêu dùng của Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng chi tiêu hộ gia đình của các nước ASEAN đạt khoảng 1,5 nghìn tỷ USD trong năm 2017. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam được dự báo tăng 5,3% trong năm 2018.
Những rủi ro từ xung đột thương mại và bất ổn gia tăng càng khiến các công ty nước ngoài có thêm lý do để mở cơ sở kinh doanh ở ASEAN.
"Các công ty đang chuyển đến ASEAN có thể có kế hoạch vài năm nữa mới chuyển, nhưng cuối cùng đã quyết định chuyển luôn trong năm 2018", ông Max Brown, trưởng bộ phận Business Intelligence Unit về ASEAN của Dezan Shira, nhận xét.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng Việt Nam không hoàn toàn miễn nhiễm trước xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Một cuộc chiến tranh thương mại không có sự tham gia của Việt Nam có thể mang lại lợi ích nói chung cho Việt Nam… Nhưng ảnh hưởng tiêu cực nằm ở chỗ Việt Nam có thể bị gộp với Trung Quốc, giống như khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên thép Việt Nam, và có thể bị áp thuế đối với những hàng hóa khác nữa", ông McCarty phát biểu.
Hồi tháng 5, Mỹ đã áp thuế mạnh lên các sản phẩm thép Việt Nam được cho là có xuất xứ từ Trung Quốc. Mỹ cho rằng thép Trung Quốc đã di chuyển qua Việt Nam để tránh thuế mà Mỹ áp lên thép Trung Quốc vào năm 2015 và 2016.
Theo: SCMP, VnEconomy