Kể từ ngày 6-7, đạo luật của Mỹ về việc áp suất thuế tăng 25% đối với hơn 800 hàng hóa Trung Quốc với tổng trị giá 34 tỷ $ sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Chính sách bảo hộ tích cực của ông Trump đã tạo đà cho một cuộc chiến thương mại và đương nhiên làm dấy lên một số lượng lớn những ý kiến bình luận, đánh giá và dự đoán khác nhau. Các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến thương mại sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính và đưa tới sự suy thoái của nền kinh tế thế giới. Các cựu quan chức tại chính nước Mỹ nêu quan điểm rằng, mức thuế suất cao đối với thép và nhôm nhập khẩu sẽ tạo điều kiện cho ngành công nghiệp luyện kim và nhôm của Mỹ phát triển, nhưng đồng thời tạo ra nguy cơ đối với ngành công nghiệp ô tô và nhiều ngành khác. Người ta đưa ra những giả định khác nhau về thiệt hại của các biện pháp nêu trên đối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
«Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh một thế giới hiện đại với sự gắn kết tương tác cao giữa các quốc gia không thể không ảnh hưởng đến các nền kinh tế của các nước khác — chuyên gia về nền kinh tế Việt Nam, tiến sĩ Evgenia Aksenova nhận định. — Trước hết, nó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế định hướng xuất khẩu của các nước châu Á. Tin tức về cuộc chiến thương mại đã dẫn đến sự suy giảm các chỉ số chứng khoán ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các nhà đầu tư tin rằng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ dẫn đến sự sụt giảm hoạt động kinh doanh tổng thể trong khu vực châu Á nói chung. Nhiều nước châu Á hiện nay là một phần trong chuỗi mắt xích của dây chuyền sản xuất trong khu vực thương mại tự do, chuyên cung cấp linh kiện cho các mặt hàng của Trung Quốc sang Mỹ, giờ đây các mặt hàng này bị áp đặt thuế suất mới. Thiệt hại gián tiếp từ việc áp thuế suất nhập khẩu của Mỹ đối với các mặt hàng Trung Quốc sẽ rơi vào Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và một số nước châu Á khác.Việt Nam không phải là ngoại lệ. Việt Nam được đưa vào chuỗi giá thành sản phẩm của các mặt hàng Trung Quốc, ngoài ra Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư từ Trung Quốc và các nước châu Á. Nếu tính tổng số vốn đầu tư từ Đài Loan, Hồng Kong và Trung Quốc đại lục thì Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư tích lũy trong năm 2017 là 60,7 tỉ đô la. Một phần lớn số tiền đầu tư này được rót trực tiếp vào ngành công nghiệp sản xuất để tạo ra những chi tiết cho hàng Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Việc tăng mức thuế suất đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ gây khó khăn cho các công ty của Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia đang hoạt động tại Việt Nam. Một số công ty nào đó trong số này sẽ có khả năng chuyển gánh nặng của chi phí tăng lên vai người tiêu dùng Mỹ. Nhưng ai đó sẽ buộc phải giảm vốn đầu tư, có thể đành đóng cửa nhà máy tại Việt Nam, tìm những giải pháp rẻ tiền hơn, dẫn tới suy giảm tính năng động của nền kinh tế Việt Nam.
Nếu nói về những lợi ích tiềm năng của Việt Nam thì trong viễn cảnh trung hạn, có thể có sự gia tăng sản phẩm của một số ngành xuất khẩu có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc, nhiều khả năng sẽ có xu hướng tiếp tục chuyển các công ty xuyên quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên cần có thời gian để thích nghi với các điều kiện kinh tế mới, trong khi hậu quả tiêu cực đầu tiên có thể rất đáng kể và dễ thấy».
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đe doạ sẽ còn áp dụng thuế suất mới cho các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng giá trị là 200 tỉ đô, thậm chí có cả con số 400 tỉ đô la. Hành động này có thể kích động Trung Quốc đưa ra những biện pháp đáp trả mới. Hậu quả khi đó sẽ là thế nào đối với châu Á và toàn thế giới, chúng ta sẽ thấy qua các con số thông kê.