Tối 8/7, 4 trong 12 cậu bé cùng một huấn luyện viên đội bóng Lợn Hoang mất tích đã được giải cứu, sau gần 2 tuần bị kẹt lại tại hang Tham Luang Nang Non, miền bắc Thái Lan. Đây là tín hiệu đáng mừng của người dân Thái cũng như cộng đồng quốc tế sau chuỗi ngày mong mỏi, chờ đợi tin tức và sự an toàn của các cầu thủ nhí.
Đội SEAL Hải quân Thái Lan đã điều động thêm nhân lực để tăng cường chiến dịch cứu hộ. Rất nhiều người dân địa phương và tình nguyện viên đã tham gia vào công tác tiếp sức, hỗ trợ. Dù những thành viên đầu tiên đã được đưa ra, tất cả vẫn tích cực cầu nguyện, hy vọng đội bóng sớm được cứu thoát khỏi hang tối.
Ông Howard Limbert (Trưởng nhóm thám hiểm BCRA — Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh — tại Việt Nam) đã chỉ ra kinh nghiệm từ công tác cứu hộ của Thái Lan. Bên cạnh đó là những điểm quan trọng cần đặt lên hàng đầu trong hoạt động thám hiểm tại các hang động ở Việt Nam.
Chúng ta học được gì từ người Thái?
Các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu hộ tại các công đoạn và khu vực khác nhau với những nhiệm vụ được phân công rõ ràng, có sự phối kết hợp hoàn toàn chặt chẽ. Trong khi hải quân phụ trách hoạt động lặn, quân đội phụ trách tìm kiếm các lối vào khác trên núi. Không chỉ vậy, hàng ngàn người dân cũng sẵn sàng tham gia giúp đỡ hoạt động giải cứu này.
Chính quyền Thái Lan đã kịp thời huy động những thợ lặn hang động chuyên nghiệp hàng đầu trên thế giới. Đây là đơn vị đầu tiên tìm thấy những đứa trẻ và vẫn đang đảm nhận nhiệm vụ lặn khó khăn này.
Ngoài ra, một số chuyên gia cứu hộ hang động của Anh cũng đã bay tới hỗ trợ chiến dịch cứu hộ. Bởi người Anh đã có rất nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Nếu gặp trường hợp tương tự tại Việt Nam, chúng ta sẽ làm gì?
Cách làm của chúng tôi ở hệ thống hang động Quảng Bình là luôn cố gắng giảm thiểu tối đa rủi ro. Tuy nhiên, khi tổ chức các tour du lịch mạo hiểm, vẫn còn một số điều chúng tôi không thể kiểm soát hoàn toàn như trượt ngã trên đá và có thể gãy xương… Thực tế, chúng tôi đã cùng hàng ngàn khách du lịch đến thám hiểm hang động mỗi năm. Và may mắn, chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra.
Chúng ta cần cố gắng hoàn thiện và thực hiện điều này bằng công tác đào tạo, huấn luyện nhân viên về công tác cứu hộ an toàn. Quá trình này được thực hiện liên tục và tất cả các hướng dẫn viên cần được kiểm tra thường xuyên về kỹ năng an toàn. Đồng thời, hãy áp dụng quy định nghiêm ngặt về an toàn và sử dụng trang thiết bị có chất lượng tốt nhất.
Để làm được điều này, chúng ta cần liên tục cải thiện, đào tạo rộng rãi và các quy tắc thám hiểm cần phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt, không cho phép hoạt động bất kỳ tour du lịch nào khi có bất kỳ dấu hiệu sẽ xảy ra lũ lụt.
Thám hiểm ở các hang động cần đảm bảo sự an toàn
Về chương trình cứu hộ của chúng tôi, công tác đào tạo bao gồm các kỹ năng về y tế và cứu hộ. Chương trình đào tạo được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia hang động người Anh, những người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cứu hộ hang động.
Ngoài ra, các trang thiết bị cứu hộ và kế hoạch cứu hộ cần luôn sẵn sàng trong trường hợp xảy ra sự cố. Các trang thiết bị cứu hộ hang động là thiết bị chuyên dụng, được cất giữ ở các địa điểm đang được khai thác tour.
Các đoàn cứu hộ cũng hãy thường xuyên giữ liên lạc với đội ngũ bác sĩ và bệnh viện trong khu vực. Điện thoại vệ tinh luôn được cung cấp trong tour để có thể liên lạc với bên ngoài trong trường hợp khẩn cấp. Điều này giúp chúng ta có thể phản ứng và xử lý nhanh khi có bất kỳ sự cố nào.
Đối với công tác thám hiểm Phong Nha — Kẻ Bàng của chúng tôi, lộ trình đều đã được các chuyên gia hang động thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng Gia Anh nghiên cứu và thiết kế cẩn thận. Yếu tố an toàn chính là điều quan trọng nhất khi thiết kế lộ trình tour.
Hơn nữa, không chỉ cần có nhiều chuyên gia hang động có kinh nghiệm dày dặn, các đội cứu hộ cũng cần thường xuyên liên lạc, kết nối những chuyên gia cứu hộ hang động giỏi nhất trên thế giới bất cứ khi nào cần sự giúp đỡ. Tất cả thợ lặn đang trợ giúp chiến dịch giải cứu đội bóng Thái đều là bạn tốt với các chuyên gia của chúng tôi ở Việt Nam. Họ cũng là những người giỏi nhất trên thế giới khi gặp các tình huống này.
Nguy cơ tiềm ẩn nào sẽ khiến những người trong hang động có thể bị mắc kẹt?
Chúng tôi luôn kiểm tra mực nước từ lối ra của hang Khe Ry trong mọi chuyến tham quan khi phải đi bộ qua sông. Nếu có ngập lụt tại hang Khe Ry, chúng tôi sẽ đi theo lối đi bộ trên cao đã chuẩn bị sẵn để đi vào cửa hang Sơn Đoòng nên sẽ không có nguy hiểm. Khi mực nước dâng cao, chúng tôi sử dụng cầu treo lắp ráp rất cao phía trên của hang Sơn Đoòng để băng qua sông bằng các thiết bị an toàn. Điều này cho phép chúng tôi vào được hang Sơn Đoòng một cách an toàn ngay cả khi các con sông dâng cao bất thường.
Sơn Đoòng là một hang động lớn, trong mùa du lịch từ tháng một đến tháng 8 hàng năm, chúng tôi không gặp phải vấn đề gì ngay cả khi nước ở suối dâng cao đến 80 m.
Vào mùa mưa, mực nước của các con sông khá cao. Do đó, chúng tôi không nghĩ có thể chạy tour vào khoảng thời gian này (từ tháng 9-12). Nếu tuân theo các quy tắc này, sẽ không có bất kỳ tai nạn lũ lụt nào xảy ra như ở Thái Lan.
Chúng ta có nên thành lập một đội cứu hộ ở Việt Nam không?
Có thể nói việc tập hợp các nguồn lực mà chúng ta đang có với nhau để cùng hỗ trợ giải quyết khi xảy ra tai nạn là một ý tưởng hay.
Đội cứu hộ này sẽ sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ tổ chức, cơ quan nào cần hỗ trợ. Tuy nhiên, tất cả công ty tổ chức du lịch mạo hiểm cũng phải có trách nhiệm không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn, mà còn đầu tư, trang bị các thiết bị chuyên dụng cần thiết cho trường hợp cứu hộ khẩn cấp trong rừng hoặc hang động.
Thông tin về tác giả:
— Ông Howard Limbert (60 tuổi, quốc tịch Anh) là người đầu tiên khám phá đầy đủ Sơn Đoòng và hang Én cùng khoảng 200 hang động lớn nhỏ ở Phong Nha — Kẻ Bàng (Quảng Bình).
— Ông cũng là người đầu tiên khám phá và công bố hơn 300 hang động từ Ninh Bình, Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn…
— Trưởng nhóm thám hiểm BCRA tại Việt Nam.
— Cố vấn trưởng kỷ thuật an toàn của công ty Oxalis Adventure.
Theo: Zing