Liên quan vụ việc anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, ở huyện Ba Vì, Hà Nội) tố Bệnh viện đa khoa Ba Vì trao nhầm con cho gia đình sau khi vợ anh sinh, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ một số quan điểm về mặt pháp lý.
Trách nhiệm hình sự chắc chắn không thể đặt ra
Câu chuyện trao nhầm con là do lỗi vô ý của các nữ hộ sinh tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì. Ở đây, giả thiết cán bộ y tế cố tình trao nhầm trẻ em là hoàn toàn không thể xảy ra.
Nguyên do sự cố, có thể do hạn chế của nền y khoa sinh sản, cách quản lý trẻ sơ sinh thời điểm đó còn sơ sài, chưa có kỹ thuật định danh cụ thể.
Trong vụ việc này, trách nhiệm hình sự chắc chắn không thể đặt ra mà chỉ phát sinh trách nhiệm cũng như bồi thường về dân sự. Quan trọng hơn, sự việc cần được giải quyết về mặt tình cảm giữa 2 gia đình.
Những sang chấn về tâm lý không thể đong đếm được. Để đảm bảo quyền lợi, các bên có quyền thỏa thuận để được bồi thường theo quy định. Trong trường hợp không thể thống nhất, một trong các bên có quyền khởi kiện vụ án dân sự để tòa án giải quyết việc bồi thường đó.
Trong câu chuyện hi hữu này, đơn vị có nghĩa vụ phải bồi thường là Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì. Bởi lẽ, 2 nữ hộ sinh thuộc quản lý của pháp nhân bệnh viện. Sau đó, có thể yêu cầu các cá nhân gây ra lỗi phải bồi hoàn.
Đối với bệnh viện, cần xác định rõ trách nhiệm ai là người giao trẻ, ai là người quản lý công việc đó. Do đó, kể cả do lỗi vô ý thì bệnh viện vẫn phải bồi thường thiệt hại.
Bên còn lại có quyền khởi kiện ra tòa?
Cả 2 gia đình cần trao trả lại con theo đúng huyết thống để ổn định lại cuộc sống. Nếu một trong 2 bên kiên quyết không thực hiện, bên còn lại có quyền khởi kiện để tòa án giải quyết. Khi bản án có hiệu lực, bắt buộc họ phải thi hành.
Tuy nhiên, nếu một trong 2 gia đình không thi hành bản án, người đó có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Thậm chí, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan hành vi chống đối bản án, theo quy định của Luật Thi hành án và Bộ luật hình sự.
Các bị hại có quyền đòi bồi thường
Việc trao trả chỉ là về mặt pháp lý. Kể cả sau khi đã trao trả, mỗi gia đình vẫn có tình cảm nhất định đối với 2 đứa bé.
Sau đó, bị hại có quyền khởi kiện để yêu cầu được bồi thường về vật chất và tổn thất tinh thần, nếu họ chứng minh được. Theo quy định hiện hành, việc bồi thường không quá 100 tháng lương tối thiểu.
Đây là vụ khởi kiện đòi quyền nuôi con do lỗi trao nhầm trẻ sơ sinh. Vụ án này lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử tư pháp Việt Nam.
Trước đây, hầu hết vụ trao nhầm hay thất lạc con, kể cả ở nước ngoài, sau khi được phát hiện, các bên đều thỏa thuận thành công. Bởi lẽ, ai cũng mong muốn được chăm sóc, nuôi nấng đứa con do mình sinh ra.
— Sự cố hi hữu xảy ra sáng 1/11/2012 khi hai sản phụ sinh gần nhau. Đó là chị Hiền (vợ anh Sơn) sinh con trai vào lúc 7h10 và chị Vũ Thị Hương (cùng huyện) sinh con trai vào 6h50 cùng ngày.
Theo hồ sơ còn lưu trữ, hai bé chào đời cách nhau 20 phút, trong 6 ca sinh ngày 1/11/2012, chỉ có hai ca sinh buổi sáng là hai bé trai này. Một bé nặng 3,1 kg, một bé 3,8 kg.
— Đến sáng 12/7, hai bé trai bị trao nhầm vẫn chưa thể đoàn tụ với gia đình sau khi sự thật được phát hiện. Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, lý giải hiện phía bệnh viện và các gia đình chưa thống nhất khoản bồi thường. Trong đó, chị Hương chưa đồng ý trao trả đứa bé.
Theo: Zing