Bê bối nâng điểm thi ở Hà Giang và nghi vấn ở một số địa phương khác như Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình… đang làm dư luận cực kỳ quan tâm với nỗi đau tột cùng. Trong nỗi đau đó, có sự nghẹn ngào của rất nhiều thầy cô giáo, người người trực tiếp "bòn" từng con chữ cho học trò.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng bộ môn Sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM: Đắng quá…
Khác với những gì cười cợt trên Facebook về liên quan đến việc nâng điểm thi ở Hà Giang và nghi vấn một số địa phương…. thì thật lòng là sự đắng chát khi nhìn vào số điểm được nâng, trong đó có cả môn Sử.
Một năm, biết bao nhiêu giáo viên trên khắp lãnh thổ Việt Nam phải còng lưng dạy. Chỉ cần học trò nói em muốn thi vào an ninh, công an… thì bất kể ngày, đêm, lúc nào học trò cần là giáo viên đều sẵn sàng. Như đối với môn Sử, giáo viên phải soạn giáo án tóm tắt, sơ đồ tư duy, sưu tầm câu trắc nghiệm để dạy…Dạy mà thấp thỏm không biết mình dạy có trúng những gì Bộ sẽ ra trong đề thi hay không?
Một năm, biết bao nhiêu học sinh học ngày, học đêm, học từ sách giáo khoa cho đến sách tham khảo để rồi "bó tay" trước những câu hỏi phân loại của Bộ. Mất đi 0,25 điểm thôi là đã mất luôn cơ hội vào những ngôi trường mơ ước, thực hiện những ước mơ hoài bão…
Vậy mà sự việc nâng điểm, thông tin là chỉ cần 6 giây để sửa một bài thi thôi, đã biến một học sinh không học nhiều trở thành những em có điểm cao nhất, thủ khoa…. Là một người thầy, tôi thấy một vị đắng ngắt!
Cô Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên Trường THPT Trưng Vương, TPHCM: Tôi rất phẫn nộ
Nỗi buồn thứ nhất là thấy thương cho những em học thật thi thật, nếu sự việc không bị phanh phui thì công bằng nằm ở đâu? Tiếp đó, buồn cho chính cả những em được nâng điểm, có thể các em cũng là nạn nhân của người lớn và rồi, các em sẽ vào đời như thế nào với sự nâng đỡ, dối trá đó?
Và buồn cho giáo dục, khi buồn cho giáo dục là buồn cho tất cả mọi người, nhất là với mỗi người thầy. Sau sự việc này, giáo viên sẽ phải đối diện với rất nhiều câu hỏi của học trò về những giá trị sống mà mình thường dạy các em.
Nỗi buồn của giáo dục từ sự việc này không chỉ ở một kỳ thi. Giáo dục trước hết phải là môi trường phải trong phải sạch nhất để nuôi dưỡng, dạy dỗ con người mà bây giờ đang như thế này. Xã hội, học trò sẽ đặt ra những câu hỏi, nghi vấn không biết trong những công an, bác sĩ bây giờ… bao nhiêu người đã từng được nâng điểm để "đặt" vào vị trí này.
Cô Nguyễn Thị Tuyên, giáo viên Lý tại một Trường THPT ở TP Vinh, Nghệ An: Tệ hại và thách thức đối với nhà giáo
Nhưng câu chuyện Hà Giang thì khác hẳn. Người vi phạm là quản lý của Sở Giáo dục, đó là một người thầy có chuyên môn giỏi, khoác lên mình vẻ ngoài đạo mạo, mang trọng trách…Chưa kể, sự việc này phía sau đó còn liên quan đến rất nhiều người nữa.
Tôi tự học, rồi đây, ngày 5/9, học sinh tham dự lễ khai giảng, nghe đọc diễn văn về sự học, về đạo đức, về các giá trị sống, các em sẽ nghĩ gì? Rồi bản thân giáo viên lên lớp dạy, yêu cầu học sinh chú ý nghe giảng, chăm chỉ làm bài, sẽ có những học sinh dẫn chứng cho mình sự học, nỗ lực là gì khi mà người ta nâng điểm một cách dễ dàng như vậy. Mình sẽ nói gì?
Một giảng viên ở TPHCM: Hệ lụy khủng khiếp
Tôi phẫn nộ! Đặc biệt, đó lại là việc làm của những người có chức trách trong một kỳ thi ở một địa phương thì lại càng khó chấp nhận.
Việc nâng điểm này không chỉ gây ra những hậu quả đơn thuần cho một địa phương mà tác động rất lớn đến dư luận của cả nước. Nếu sự việc này không được phát hiện, thì rõ ràng ít nhất khoảng hơn 300 bài thi lệch điểm ấy đã làm thay đổi "kết quả thực" trong kỳ tuyển sinh của nhiều trường có các thí sinh ấy đăng ký đầu vào. Nó gây ra sự xáo trộn giữa việc đậu thành rớt, rớt thành đậu trong tuyển sinh tại không ít trường.
Mặt khác, chính điều này gây ra những hệ lụy không hay trong cách nhìn về thực trạng giáo dục nước nhà. Xa hơn nữa, ít nhất vài trăm thí sinh ấy, với "thực chất" con đường đi lên của mình bằng sự dối trá có ai sẽ xấu hổ, thấy tội lỗi hay sẽ tiếp tục để lại những "di căn" xấu hơn nữa cho cộng đồng, xã hội?
Theo: Dân Trí