Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Chiến lược — Bộ Công an chia sẻ quan điểm của ông về tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia vừa diễn ra.
Bê bối gian lận tại kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Giang đang được người dân trên cả nước quan tâm dõi theo. Giờ đây, việc điều tra, xử lý không đơn thuần là đưa những kẻ cố tình vi phạm ra để kết tội mà quan trọng hơn là lấy lại niềm tin cho hàng triệu thí sinh và dư luận vào một kỳ thi cấp quốc gia. Những đứa trẻ vừa trải qua kỳ thi căng thẳng cần nhận lại sự công bằng.
Minh bạch điểm thi của 35 chiến sĩ CSCĐ
Trong bất cứ công việc, ngành nghề nào, việc dùng quyền lực, kim tiền để can thiệp thay đổi kết quả đều là vô lương. Nhưng những ngày qua, sự vô lương ấy lại xảy ra trong ngành giáo dục, nơi gieo chữ, trồng người, nơi mà nhân cách con người luôn được đặt lên hàng đầu.
Hết Hà Giang, giờ đây nghi vấn về bê bối nâng, sửa điểm lại lan sang Sơn La, Lạng Sơn. Điển hình là mấy ngày qua, dư luận đang đổ dồn ánh mắt đến 35 điểm thi điểm cao bất thường của các chiến sĩ CSCĐ tại Lạng Sơn.
Nó khiến dư luận hoài nghi, đặt câu hỏi tại sao vụ việc ở Hà Giang làm quyết liệt mà sự việc ở Lạng Sơn, liên quan đến công an, lại không được làm đến cùng. Phải chăng có sự tác động nào đó khiến sự thật không được đưa ra ánh sáng?
Nghi vấn làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của ngành công an.
Đã từ lâu, bất cứ thông tin nào liên quan đến công an rất nhạy cảm. Công an được xem là lực lượng chấp pháp, những người tuyên chiến với tệ nạn, tiêu cực. Nếu 35 chiến sĩ CSCĐ kia điểm cao do làm bài thi tốt thì phải "minh oan" cho họ trên phương tiện thông tin đại chúng. Vướng vào nghi vấn gian lận, chịu áp lực từ dư luận, tâm lý họ sẽ không tốt, khó có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, Bộ GD&ĐT phải rốt ráo rà soát lại quy trình thi bảo mật đề, bảo mật chấm thi tại Lạng Sơn, đặc biệt là nơi 35 chiến sĩ CSCĐ thi có an toàn. Các bài thi có bị tẩy xóa, sửa chữa hay không. Gặp bất cứ vấn đề khó khăn, Bộ GD&ĐT có thể đề nghị Bộ Công an phối hợp làm rõ.
Lâu nay, có tình trạng trong nhiều sự việc, chúng ta xử lý cho có, xử lý theo kiểu "vuốt mặt nể mũi". Nhưng lần này, chúng ta không được phép như vậy. Đừng bao giờ thả vào tâm lý của người dân một sự nghi ngờ rồi để đó, nó sẽ là nỗi ám ảnh đối với người trong cuộc và cả dư luận.
Ở một khía cạnh khác, nghi hoặc là con dao chặt đứt niềm tin của học sinh, những người làm chủ tương lai đất nước.
Tiêu cực thi cử — hậu quả khủng khiếp hơn cướp của, giết người
Nếu vụ lừa dối tày đình này trót lọt thì sao? Câu chuyện tiêu cực sẽ giống như một con tàu bon bon trên đường ray không thể nào dừng lại. Phụ huynh bỏ tiền chạy cho con qua kỳ THPT quốc gia sẽ tiếp tục chạy tiền để những đứa trẻ có thể trụ được ở giảng đường, bởi không kiến thức làm sao có thể theo học.
Hậu quả về mặt xã hội của nó còn khủng khiếp hơn tội cướp của, giết người. Sau 4 năm, những sinh viên bước chân vào giảng đường đại học bằng tiền sẽ ra trường với tấm bằng trên tay. Họ tiếp tục được gia đình giúp sức để trà trộn vào cơ quan công quyền. Trong số đó, có thể có hạt nhân lãnh đạo trong tương lai. Và những cán bộ không chuyên môn, kỹ năng mang "tim đen" sẽ phá vỡ toàn bộ cấu trúc quyền lực lành mạnh của quốc gia.
Đến nước này, Bộ GD&ĐT phải nhanh chóng rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình tổ chức thi trung học. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng việc gian lận có lẽ không chỉ dừng lại ở một địa phương. Nếu sự việc xử lý không thỏa đáng, triệt để, rất có thể chúng ta sẽ có một thế hệ sẵn sàng thỏa hiệp với gian lận, lừa dối hòng giật lấy thành công.
Theo: Zing