Dù chưa có giấy phép bay, Bamboo Airways đã liên tiếp ký hai hợp đồng mua tổng cộng 44 máy bay lớn nhỏ từ hai hãng, là Boeing và Airbus, với tổng giá trị niêm yết khoảng gần 10 tỷ USD.
Ngay sau những thương vụ này được ký kết, giới quan sát đã có những phản ứng không tích cực. Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là động thái mạo hiểm, rất ít gặp với các hãng hàng không mới.
Chuyên gia từ Atmosphere Research từng thẳng thắn nhận định hai thương vụ của Bamboo Airways có phần "kiêu ngạo và cho thấy họ có một túi tiền dồi dào".
Đồng tình với nhận định trên, ông Richard Aboulafia, Phó chủ tịch của Teal Group, nói với Zing.vn rằng "việc khởi đầu với những máy bay nhỏ như các dòng A320 của Airbus là điều hợp lý hơn với các hãng hàng không mới thành lập. Việc đặt mua những máy bay lớn, bay đường dài như Boeing 787 có vẻ như quá vội vàng".
"Tôi nghĩ Bamboo Airways nên cân nhắc phát triển quy mô kinh doanh và thương hiệu với những dòng máy bay nhỏ trước", ông Aboulafia nói.
"Một hãng hàng không sẽ luôn nhận được đề nghị giảm giá từ nhà sản xuất và hãng bay, có thể thu hồi vốn thông qua một giao dịch sale and leaseback. Tuy nhiên đó sẽ là một khoản nợ rất lớn. Không có gì đảm bảo rằng doanh thu từ sale and leaseback có thể bù vào các khoản chi phí. Quá trình này có thể khiến hãng đốt tiền rất nhiều và rất nhanh", chuyên gia từ Teal Group chia sẻ.
Chuyên gia này cho rằng "về thuận lợi cho hãng, thị trường hàng không Việt Nam đang phát triển rất nhanh và có nhiều tiềm năng để trở thành điểm đến du lịch thành công. Tuy nhiên, thị trường hiện đã có hãng hàng không quốc gia và nhiều hãng mới đã và sẽ tham gia".
Chuyên gia này cũng hoài nghi thị trường hàng không Việt Nam khó còn chỗ cho một hãng khác, khi đã có 3 hãng hàng không phục vụ các nhóm khách khác nhau.
Trước đó, Bamboo Airways đã tuyên bố sẽ mở bán vé từ ngày 2/9 và có chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 10/10, dù chưa có giấy phép kinh doanh hàng không từ Cục Hàng không (Bộ GTVT).
Theo: Zing