Ông Richard Khoo có mối duyên với doanh nghiệp Việt Nam từ năm 1996. Doanh nghiệp Việt ông gắn bó gần đây nhất là Trung Nguyên Legend — thương hiệu cà phê đã có mặt tại hơn 60 thị trường trên thế giới — với 1 năm 9 tháng ở cương vị Giám đốc Tiếp thị và Kinh doanh.
Ông Richard đã dùng hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sales và marketing, đặc biệt trong phân phối và marketing cho ngàng hàng FMCG và hàng lâu bền, với rất nhiều kinh nghiệm trong việc giúp cho các thương hiệu "go global" thành công.
Bên lề sự kiện "Làm thế nào để thương hiệu Việt vươn ra biển lớn" do Câu lạc bộ Tiếp thị & Truyền thông Việt Nam (VMCC) tổ chức mới đây, ông Richard Khoo chia sẻ:
"Điều tôi thích nhất ở tầm nhìn của Chủ tịch Vũ là quan niệm chúng tôi không chỉ là một công ty cà phê, chúng tôi chạm tới trái tim của những người chúng tôi phục vụ bằng tấm lòng, sự quan tâm, tính nhân văn, nỗ lực thúc đẩy thành công của mọi người qua những cốc cà phê của chúng tôi".
"Tôi học được rất nhiều từ ông Vũ. Chủ tịch Vũ không vĩ cuồng! Hãy tin tôi, đừng tin những gì bạn đọc được".
* Gần 2 năm làm việc tại Trung Nguyên Legend, ông thấy đâu là yếu tố thành công nhất của Trung Nguyên?
Theo góc nhìn chuyên môn của tôi, yếu tố làm nên thành công của Trung Nguyên là việc tham gia đầy đủ tất cả các thành tố trong chuỗi cung ứng, từ đồn điền trồng cà phê, nhà máy sản xuất, bán lẻ, online…
Trong khi một số công ty cà phê chỉ bán các loại cà phê 2 in 1 hay 3 in 1, Trung Nguyên thì ngoài các sản phẩm hòa tan (G7) còn có cà phê rang xay, và mở chuỗi quán (thương hiệu Trung Nguyên Legend).
Trung Nguyên cũng có siêu thị online — E-Cofffe, nơi bán các trang thiết bị pha cà phê. Bước đi này tương tự như Starbucks nhưng cà phê của Trung Nguyên ngon hơn.
* Chiến dịch tặng sách 5 tỷ USD mới đây của Trung Nguyên có phải thai nghén từ ngày ông còn ở Trung Nguyên? Nhiều người cho rằng chiến dịch này hơi "khua chiêng gõ trống" mà tính hiệu quả chưa biết đến đâu, nhận định của ông về chiến dịch này như thế nào?
Chương trình này hướng đến mục đích tốt đẹp là nhằm trang bị thêm cho giới trẻ Việt Nam kỹ năng, kiến thức, thái độ… Tôi nghĩ ông Vũ muốn tặng 30 triệu cuốn sách.
Thực tế từ trước đó, ông ấy đã hỗ trợ giới trẻ Việt Nam trong rất nhiều năm, bằng cách tặng sách cho trường học, tham dự chia sẻ tại các buổi tọa đàm với các bạn doanh nhân trẻ, các bạn khởi nghiệp. Chúng tôi có cả chương trình doanh nhân khởi nghiệp (Startup Entrepreuner Program).
Đấy là chương trình rất tốt cho giới trẻ Việt Nam. Tôi nghĩ Chủ tịch Vũ là người tốt và có trái tim nồng ấm. Tôi thích ông ấy và tin tưởng vào tầm nhìn của ông ấy.
* Ông chắc làm việc nhiều với Chủ tịch HĐQT Đặng Lê Nguyên Vũ? Ông thấy ông Vũ là người thế nào?
Trong 1 năm làm việc tại Trung Nguyên ở TPHCM, tôi bị thu hút bởi tầm nhìn của ông ấy. Chủ tịch Vũ nhìn thấy rất nhiều thứ mà thông thường chúng ta không nhìn thấy.
Điều tôi thích nhất ở tầm nhìn của Chủ tịch Vũ là quan niệm chúng tôi không chỉ là một công ty cà phê, chúng tôi chạm tới trái tim của những người chúng tôi phục vụ bằng tấm lòng, sự quan tâm, tính nhân văn, nỗ lực thúc đẩy thành công của mọi người qua những cốc cà phê của chúng tôi.
Đấy là lý do vì sao chúng tôi nói cà phê Trung Nguyên — năng lượng đổi đời. Thông qua những cốc cà phê bán ra, chúng tôi mang tính nhân văn, chạm vào trái tim người dùng, chúng tôi thay đổi cuộc sống của họ thông qua những cốc cà phê.
Tôi mong nhiều chủ DN có thể làm được như ông Vũ.
* Trong thời còn tại vị, kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông tại Trung Nguyên là gì?
Ông ấy khuyến nghị mọi người đọc sách nhiều nhất có thể. Mỗi tháng, ông Vũ lại khuyến nghị những đầu sách mà các cấp quản lý nên đọc, hoặc có khi ông lại chủ động mua sách tặng cho các cấp quản lý ở công ty.
Tôi đọc tất cả các cuốn sách mà Chủ tịch Vũ gợi ý, và tôi cảm thấy rất hữu ích. Chủ tịch Vũ khuyến khích tinh thần luôn luôn học hỏi, luôn chuẩn bị cho cuộc đời, đọc sách và học nhiều nhất có thể.
Để "go-global" được, trước hết, doanh nghiệp Việt PHẢI thoát khỏi vùng thoải mái (comfort zone) và can đảm bước ra khỏi thị trường Việt Nam.
* Ông sẽ làm gì sau khi rời Trung Nguyên?
Tôi cố gắng trở thành một cầu nối giữa Việt Nam và thế giới theo cách nhỏ bé của riêng mình, cố vấn giúp các công ty hiểu nhiều hơn về Việt Nam và để các công ty Việt có thể vươn ra thế giới. Giữa đêm qua, tôi có một conference call từ một công ty ở Nam Phi, họ muốn đưa dược phẩm vào Việt Nam.
* Theo kinh nghiệm của ông, làm thế nào để những thương hiệu Việt Nam có thể vươn ra biển lớn?
Tôi nghĩ ngày nay, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều nguồn lực, tiền, công nghệ, trang thiết bị, know-how.
Nhìn vào các công ty thành công trên thế giới, họ có 2 điểm chung để tăng trưởng bền vững qua các đường cong lợi nhuận là cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm Chất lượng cao (High quality) và Giá trị (Value) trong tất cả mọi lúc.
Rất nhiều vị Chủ tịch HĐQT hoặc chủ công ty Việt tôi nói chuyện gần đây cực thoải mái trong kinh doanh, bởi thị trường nội địa đang có cầu tiêu dùng cực lớn với gần 94 triệu dân (tính đến cuối năm 2017 theo số liệu từ Tổng cục Dân số — Kế hoạch hóa gia đình).
Bên cạnh đó, họ cũng sợ khi ra nước ngoài. Cho nên tôi cho rằng trước hết, DN Việt phải có mong muốn cháy bỏng phải ra thị trường nước ngoài đã, sau đó thì hãy can đảm đương đầu với những công việc tiếp theo.
* Liên quan đến chuyện đặt tên thì sao? Nhiều người cho rằng cái tên Trung Nguyên khá khó đọc với người nước ngoài…
Tên thương hiệu phải dễ nhớ, dễ phát âm. Thành thực mà nói, "Trung Nguyên" là một từ rất khó để phát âm. Các khách hàng bán lẻ của chúng tôi cũng thấy vậy. Nhưng khi chúng tôi nói G7, hay Legend, hay Creative… — các sub-brand của Trung Nguyên thì lại dễ nhớ hơn rất nhiều.
Rất nhiều công ty đi ra nước ngoài không thành công chỉ vì cái tên.
* Xin cảm ơn ông!
Theo: Trí Thức Trẻ