Liên quan đến chất lượng đầu vào của phi công sau chất vấn của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Cục Hàng không VN cho biết, cơ quan này xem xét đầu ra của các ứng viên dựa trên hồ sơ bằng cấp, huấn luyện.
Trong quá trình học ở nước ngoài và các bằng cấp, chứng chỉ được nhà chức trách nơi các học viên làm cơ sở để công nhận bằng lái tàu bay.
Cũng theo Cục Hàng không VN, ông Nguyễn Sỹ Cương có ý kiến các trường học phi công đa số là các trường nhỏ lẻ, chất lượng đào tạo thấp. Tuy nhiên, Cục tổ chức đánh giá, công nhận các trường đào tạo phi công đã được các cục Hàng không của các quốc gia phê chuẩn (hiện nay chủ yếu các trường tại Hoa Kỳ, New Zealand, Australia và châu Âu).
Cục tập trung vào phê chuẩn chất lượng đào tạo của phi công và trên cơ sở phê chuẩn đầu ra của các nhà chức trách quốc gia trên công nhận bằng chứng chỉ đào tạo.
Sau khi được đào tạo và có Bằng lái tàu bay (CPL, IR), các phi công cơ bản được huấn luyện chuyển loại các loại tàu bay (ví dụ A320), Cục Hàng không VN khẳng định.
Các tổ chức huấn luyện loại tàu bay đều được Cục Hàng không phê chuẩn theo tiêu chuẩn của ICAO, các nhà sản xuất tàu bay và Bộ Quy chuẩn an toàn hàng không.
Cần có thời gian đánh giá
Đối với các tồn tại trong quá trình huấn luyện phi công, Cục Hàng không cho rằng cần có thời gian để xác minh, đánh giá do đây là hoạt động của các hãng hàng không. Cục hoàn toàn độc lập với hoạt động của các hãng hàng không khi tuyển chọn, lựa chọn và huấn luyện phi công.
"Cục Hàng không có hệ thống quy trình đánh giá hoàn toàn độc lập và khách quan, đảm bảo tất cả các phi công được cấp bằng phải chịu đánh giá của Cục", Cục Hàng không cho biết.
Trước đó, ông Nguyễn Sỹ Cương có văn bản gửi Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đã tiếp xúc với một số phi công (trong đó có cả người nhà của ông Cương) của Vietnam Airlines và nhận thấy một số vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Theo: Vietnamnet