Quy trình đào tạo cực kỳ khắc nghiệt
Để trở thành phi công lái máy bay dân dụng, các học viên trước tiên phải qua được khâu tuyển chọn vô cùng khó khăn về thể hình và thể lực.
Sau khi qua vòng sơ tuyển, các học viên sẽ tham gia khóa huấn luyện phi công dự khóa, các học viên sẽ được chuẩn bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể tiếp thu tốt chương trình huấn luyện phi công cơ bản. Giai đoạn này sẽ giúp các học viên hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về năng lực cũng như phẩm chất của nghề phi công. Khóa huấn luyện này sẽ kéo dài 6 tháng.
Giai đoạn thứ hai của quá trình đào tạo phi công là chương trình đào tạo phi công cơ bản. Để có thể tham gia khóa học dài 16 đến 18 tháng này, các học viên phải đáp ứng đủ điều kiện về sức khỏe và vượt qua vòng phỏng vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không. Sau khi hoàn thành chương trình, học viên sẽ được cấp các chứng chỉ cần thiết theo đúng tiêu chuẩn về bằng cấp của người lái do Cục Hàng không dân dụng Việt Nam quy định.
Trong quá trình đào tạo, các phi công tương lai luôn được rèn luyện rất kỹ, đồng thời luôn phải tuân thủ những quy tắc khắc nghiệt về sức khỏe, trình độ. Đến khi đã trở thành phi công chính thức, để giữ được bằng lái, mỗi năm, các phi công phải trải qua từ 1 đến 2 đợt khám sức khỏe và 6 kỳ thi chuyên môn.
Tự bỏ tiền "khủng" học nghề
Ở nước ta hiện nay, nghề phi công là giấc mơ của nhiều người. Nhưng sự thực không nhiều người có thể với tới "giấc mơ bay". Vì muốn trở thành phi công, ngoài các tiêu chuẩn về thể hình, thể lực, người học phải có một số tiền ít nhất là 4 tỷ đồng để đi học cho tới lúc thành nghề.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, khi nguồn nhân lực đã gần như đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, các hãng hàng không đang dần dần loại bỏ chương trình hỗ trợ dành cho học viên, buộc các học viên phải tự chi trả toàn bộ học phí đào tạo nếu muốn đi học trở thành phi công.
Cách đây chưa lâu, PV của VTC News đã khảo sát tại một số gia đình có con em đang theo học phi công dân dụng, thì chi phí đi học đào tạo phi công ở nước ngoài, đào tạo huấn luyện bay trong nước đến khi trở thành cơ phó các gia đình đều phải tự trả 100%. Tổng chi phí ước tính từ khi bắt đầu học đến khi lên được cơ phó khoảng 4 tỷ đồng.
Việt Nam hiện tại có trường Học viện Hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, để tham gia vào các khóa học trở thành phi công, có bằng hàng không quốc tế, các học viên sẽ phải tới một số quốc gia có truyền thống đào tạo nguồn nhân lực ngành hàng không cho Việt Nam như: Mỹ, Úc, Anh, Pháp hoặc New Zealand, mới đây nhất có thêm Nam Phi.
Ở trường hợp thứ nhất, các học viên có thể học sơ cấp tại Học viện Hàng không Việt Nam trong 2 năm, sau đó, tùy vào năng lực và tài chính có thể học tiếp tại Nam Phi hoặc Úc.
Anh Louis Trần, một học viên phi công đang tham gia khóa học đào tạo phi công tại Nam Phi cho biết:
"Học ở Việt Nam chủ yếu là học ngoại ngữ, và lý thuyết, sau đó khi đủ điều kiện bạn sẽ phải ra nước ngoài để tiếp tục học thực hành trong vòng 14 — 24 tháng, tùy vào năng lực của mỗi người".
Chi phí đi học trong nước và nước ngoài do người học tự chi trả 100%. Đây là một số tiền không nhỏ.
Theo thông tin mà anh Louis cung cấp, chi phí ban đầu bỏ ra để đi du học tại Nam Phi là 77.000 USD (khoảng 1,7 tỷ đồng). Sau 2 năm, học viên có thể nhận được bằng hàng không quốc tế và trở về Việt Nam học tiếp.
Giai đoạn này gọi là học chuyển loại. Chi phí của giai đoạn này khoảng 30.000 USD (gần 700 triệu đồng). Tiếp tục, sau khi học chuyển loại xong, các học viên sẽ tốn thêm 75.000 USD (khoảng 1,6 tỷ đồng) để được huấn luyện lên cơ phó tại một hãng hàng không nào đó trong nước.
Theo: VTC