Hành động của Mỹ đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ Trung Quốc- nước đang tuyên bố chủ quyền phi lý với nhiều thực thể trên Biển Đông. Lý giải việc đưa B-52 tới Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng:
"Các chuyến bay của B-52 sẽ không có ý nghĩa gì nếu Trung Quốc không quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông".
B-52 tới Biển Đông với tần suất dày đặc
Tần suất xuất hiện "dày đặc" của các B-52 — máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Không quân Mỹ, tại Biển Đông được cho là mang theo thông điệp tới các "đối thủ" của Mỹ trong khu vực.
Business Insider dẫn thông tin từ Bộ phận thông tin Lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương cho biết, ngày 23/9, một máy bay B-52 đã tham gia cuộc huấn luyện tại Biển Đông và Ấn Độ Dương. Vài ngày sau đó, một chiếc B-52 khác tiếp tục tham gia sứ mệnh diễn tập trên Biển Đông cùng chiến đấu cơ của Nhật Bản.
"Bộ Chỉ huy Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ (PACAF) tiếp tục thực hiện ‘Chương trình Hiện diện liên tục máy bay ném bom' tại Biển Đông từ năm 2004, phù hợp với luật phát quốc tế, cũng như lập trường vững chắc và các chính sách tự do hàng hải của Mỹ", Business Insider dẫn thông báo ngày 28/9 của PACAF.
Mỹ đang muốn phô diễn sức mạnh và khả năng quân sự khi các hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đồng thời kiến các nước bên ngoài quan ngại về vấn đề tự do hàng hải trên tuyến đường biển huyết mạch này. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Dave Eastburn phát biểu trong tuần này khẳng định:
"Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện và hoạt động tại bất cứ khu vực và bất cứ thời điểm nào mà luật pháp quốc tế cho phép".
Trong tháng 8, Mỹ cũng hai lần cử B-52 tới Biển Đông. Trước đó, tháng 4 và tháng 6, "pháo đài bay" B-52 cũng bay qua cùng biển căng thẳng này, khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải lên tiếng cảnh báo về tần suất xuất hiện liên tiếp này.
"Liên quan đến sự khiêu kích của máy bay quân đội Mỹ tại Biển Đông, chúng tôi luôn cương quyết phản đối các hành động này", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường nói trong cuộc họp báo ngày 27/9.
Quan hệ quân sự Mỹ — Trung còn lâu mới hạ nhiệt
Các mối quan hệ Mỹ — Trung từ thương mại tới quân sự đang cùng lúc leo thang. Không chỉ là áp thuế suất đánh vào giá trị hàng hóa hàng trăm tỷ USD của Trung Quốc, Mỹ tuần trước còn công bố trừng phạt vào lĩnh vực quân sự sau khi Bắc Kinh mua các hệ thống vũ khí của Nga, trong đó có chiến đấu cơ F-35 và hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân đất đối không S-400.
Business Insider dẫn nhiều ý kiến của các nhà phân tích, các chuyên gia cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ phải mất một thời gian rất dài để phục hồi quan hệ quân sự.
Đã có nhiều bài viết dẫn lời giới chức Quốc phòng của cả Mỹ và Trung Quốc để củng cố thêm nhận định này.
"Phía Mỹ bị cáo buộc đơn phương gây hưởng quan hệ Mỹ — Trung, quan hệ quân sự giữa hai nước. Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ có thái độ sáng suốt và xây dựng những điều kiện phù hợp cho trao đổi và hợp tác song phương", AP trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa.
"Căng thẳng vẫn luôn tiếp diễn. Chúng ta chỉ đang trải qua một trong những thời điểm trong chu kỳ và chúng tôi đang điều chỉnh để giải quyết những thay đổi khác biệt", ông Mattis nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh, nếu Trung Quốc cảm thấy có vấn đề với các chuyến bay của B-52 thì nước này cũng đang tạo ra thách thức khi có các hoạt động quân sự hóa tại Biển Đông. Với Mỹ, các chuyến bay của B-52 tới Biển Đông đã trở thành một sự việc thông thường.