Có thể vì gia đình không bao giờ nuôi chó khi tôi còn nhỏ.
Có thể vì tôi là người Australia, tức thuộc một dân tộc ăn thịt con vật là biểu tượng của nước mình — kangaroo.
Cũng có thể là vì khi lớn lên, tôi được giáo sư xã hội học nhắc nhở rằng không nên hồ đồ vội phán xét những người có nền văn hoá khác, không nên máy móc chê họ "thiếu văn minh" chỉ vì thoạt nhìn tập quán của họ có vẻ trái ngược với mình.
Vì lý do nào không rõ, lần đầu tiên đến TP.HCM vào năm 2012, tôi đồng ý ngay khi được một người bạn mời đi nhậu "theo kiểu Hà Nội", tức ăn thịt chó và uống rượu. Tôi đã thử và thú thật mà nói, thấy thích.
Tôi đã chuyển đến TP.HCM như ý định, cũng thi thoảng nhận lời mời "đi nhậu kiểu Hà Nội" với một số bạn Việt Nam, và cũng thi thoảng suy nghĩ lại hành vi của mình. Tôi nghe một số bạn người Việt nói về cách người ta đánh bả chó để bắt và bán lại, cũng như chuyện nhiều con chó được vốn là thú cưng bị bắt trộm trắng trợn.
Không chỉ nói riêng gì người ăn thịt chó, những ai ăn bò, gà, heo cũng khó có thể chắc được thịt mà họ đang tiêu thụ xuất phát từ một quy trình nuôi, giết mổ nhằm giảm thiểu nỗi đau cho động vật trước và trong khi chết.
Vì không có khả năng ăn chay trường, tôi tiếp tục ăn tất cả loại thịt với một hy vọng mơ hồ rằng cơ quan chức năng có thể siết chặt kiểm soát các quy trình sản xuất thịt.
Nhưng đối với riêng con chó, hình như tôi có thái độ của phần lớn người Việt: Có thể thân thiết với chó, nhất định phản đối chuyện chúng bị cư xử man rợ, nhưng vẫn coi thịt chó như như thịt loại nhiều động vật khác.
Thế nào là ăn uống "văn minh"?
Theo đó, một trong những lý do chính Hà Nội cấm đoán buôn bán thịt chó là vì nó gây phản cảm với người nước ngoài. Theo tôi, đó là điểm yếu nhất trong đề xuất này. Nó cho rằng người nước ngoài có quan điểm "văn minh" đối với động vật vì họ không sử dụng thịt chó làm thực phẩm; một ngụ ý nữa là những người Việt không hoặc tránh ăn thịt chó được coi là "văn minh" hơn những người có ăn.
Nói đến văn hoá ẩm thực, theo tôi chỉ có một điều duy nhất người Việt cần học theo người nước ngoài: Họ luôn sẵn lòng bảo vệ thói quen ăn uống của mình trừ khi có lý do chính đáng để từ bỏ. Đừng tự ti chỉ vì thói quen hay tập quán của mình lạ thường trong mắt của người từ xa đến.
Thái độ của người nước ngoài đối với văn hoá ẩm thực không đơn giản như một số người Việt tưởng.
Theo tôi, Việt Nam có thể bảo vệ văn hoá ẩm thực của mình cũng chính bằng lý do người Pháp, Australia và Mỹ đã làm: Tập quán ăn thịt chó có nguồn gốc trong một nền văn hoá chính thống chứ không phải một trình độ văn minh thấp.
Một câu hỏi quan trọng ở đây: Thái độ của người nước ngoài đối với thói quen ăn thịt chó của người Việt chính xác là gì?
Trong sáu năm ở Việt Nam, tôi đã đọc nhiều bài blog, cả một số tiểu thuyết và hồi ký của khách du lịch, viết về những trải nghiệm của họ ở Việt Nam. Tất nhiên, có một số người chê bai cách người Việt cư xử dã man với chó, tỏ ra khó chịu khi đi ngang quán bán thịt chó hoặc nhận ra thịt mà người ta đang bán là thịt gì. Nhưng chắc chắn cũng sẽ có người nước ngoài sẵn sàng ăn thử thịt chó như tôi.
Theo UBND Hà Nội, việc kinh doanh và tiêu thụ thịt chó không chỉ "làm ảnh hưởng đến hình ảnh của một Thủ đô văn minh, hiện đại", nó xứng đáng để bị cấm đoán vì "còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe cho con người".
Mặc dù ăn thịt chó có nguy cơ nhất định cho sức khoẻ, nhưng dường như điều này cũng đang bị một số người phóng đại. Ai đọc kỹ tài liệu y tế liên quan thì thấy khó có thể kết luận rằng thịt chó mang rủi ro cao đến mức cần có đề xuất cấm đoán kinh doanh.
Khi chuẩn bị sang Việt Nam ở, tôi hỏi một bác sĩ người Australia thịt chó tốt cho sức khoẻ hay không. Biết tôi đã ăn thử, bác sĩ không hề nhìn tôi như người điên hay người đã mang lại sự ô nhục cho Australia.
Vấn đề thứ nhất được đề cập trong tài liệu là bả chó chứa độc tố có thể có tác động tiêu cực đến cơ thể người ăn.
Thứ hai là, con chó, như con heo, là loại động vật ăn tạp nên nguy cơ người ăn thịt nó bị nhiễm một số loại giun, sán cao hơn so với các loại thịt của động vật chỉ ăn cỏ.
Thứ ba, một loại bệnh đặc biệt nguy hiểm ở chó là bệnh dại có thể sẽ lây nhiễm cho người giết mổ, thậm chí người tiêu thụ.
Thứ tư, có bằng chứng cho thấy những người ăn quá nhiều thịt chó hay ăn trong thời gian dài có dấu hiệu gia tăng nguy cơ bị xơ gan hay suy thận.
Cuối cùng, vì thịt chó có nhiều đạm, chuyên gia y tế khuyên người lớn tuổi hoặc người mắc bệnh huyết áp nên hạn chế hay tránh ăn.
Những điều nêu trên không tranh cãi được, nhưng tất cả đều có cách giải quyết.
Nói tóm lại, việc quản lý kinh doanh, giết mổ và tiêu thụ thịt chó chặt chẽ hơn không những sẽ bớt đi mặt xấu của tập quán này trong mắt người nước ngoài, nó còn giúp thịt chó được bày bán hội đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Nếu có thêm chiến dịch nâng cao ý thức người dân về nguy cơ tiềm ẩn cho sức khoẻ, động viên người dân ăn thịt chó có chừng mực, thì hậu quả tiềm ẩn có thể được giảm thiểu.
Lý lẽ phải mạnh hơn cảm xúc
Thế nhưng, rõ ràng đây không phải là khuyết điểm duy nhất chỉ xảy ra trong kinh doanh chó lấy thịt. Nó là vấn đề lớn mà cả ngành sản xuất thịt, nếu không muốn nói là cả ngành công nghiệp thực phẩm, của Việt Nam phải đối phó. Chính vì vậy, việc cấm đoán kinh doanh chó lấy thịt không phải cách giải quyết hợp lý.
Muốn cải thiện tình hình, người Việt nói chung và nhà chức trách nói riêng cần nỗ lực điều tiết thị trường buôn bán chó lẫn các loại động vật khác, vừa để bảo đảm an toàn thực phẩm, vừa để chắc chắn không có chó, bò, gà hay gia súc, gia cầm nào bị đối xử tàn tệ như ngày nay.
Seoul — nơi nổi tiếng có nhiều người ăn thịt chó và là nơi có nhiều tranh luận dữ dội về tập quán này — muốn đưa chó vào danh sách chính thức của những loại thịt được sản xuất theo kiểu công nghiệp và được giám sát kỹ lưỡng. Khuyến cáo này đầy hứa hẹn vì nó sẽ giúp cho nguồn cung dồi dào, đồng thời làm giảm mạnh giá của những con chó bị bắt bất hợp pháp. Nếu được thực hiện bài bản, nó có thể giúp dẹp bỏ nạn trộm chó bất hợp pháp.
Rất tiếc, đề xuất này đã bị chính những nhà hoạt động chống lại việc ăn thịt chó bác bỏ.
Thế nhưng, việc cấm đoán một thói quen được nhiều người ưa chuộng phải có đủ lý lẽ mạnh mẽ hơn cảm xúc cá nhân của một số người.
Bà ngoại người Ý của tôi từng nuôi gà. Dù tiếp xúc nhiều với gà khi lớn lên và thấy gắn bó với nó hơn chó nhiều, nhưng tôi không thể lấy cớ quyến luyến với gà để yêu cầu người khác không ăn thịt gà. Bạn người Việt của tôi đã từng nuôi heo ở quê cũng vậy, và đã có nghiên cứu khoa học cho thấy heo thông minh và nhạy cảm hơn cả gà và chó.
Tương tự, ai bận tâm đến hậu quả của thói quen tiêu thụ bia rượu quá mức, khó chịu với cách cư xử của những người nhậu đến độ say xỉn, có thể tự uống có chừng mực hay từ bỏ không uống nữa, thậm chí giúp người ta nâng cao nhận thức về mối nguy hiểm của việc uống quá nhiều. Còn việc yêu cầu cấm bán rượu bia thì lại là một câu chuyện khác.
Nếu khác biệt xuất phát từ bất đồng ý kiến giữa những người theo văn hoá Việt Nam nuôi chó như gia súc (mặc dù vẫn có thể gắn bó với chó) và những người theo văn hoá phương Tây có xu hướng nuôi chó như thú cưng, cả hai bên có thể tìm thấy điểm chung ở chỗ: Cần có biện pháp giảm thiểu sự đau đớn gây ra cho động vật được nuôi và giết mổ để lấy thịt.
Thậm chí, có thể coi cái này như tiêu chuẩn "văn minh" chung mà được hai bên tán thành và thực hiện.