Tuần qua tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 với sự tham gia của đông đảo các học giả trong nước và quốc tế. Có thể nói, hội thảo rất thành công với thông điệp rất quan trọng: Trường Sa và Hoàng Sa là những quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thế nhưng lại có một vấn đề tồn tại không nhỏ là tên gọi tiếng Anh của hội thảo lại ghi Biển Đông là South China Sea (?).
Quả thật, South China Sea là tên gọi quốc tế của Biển Đông nhưng đó là theo cách gọi của Phương Tây vì với họ, vùng biển này nằm ở phía nam nước Trung Hoa. Tuy nhiên, không vì thế mà Việt Nam có thể dùng ngôn từ tiếng Anh này của họ để gọi tên Biển Đông.
Với Hàn Quốc và Triều Tiên, các nước này tiếp giáp với 2 vùng biển là Hoàng Hải (Yelow Sea) ở phía tây và Biển Nhật Bản (Sea of Japan) ở phía đông. Tuy nhiên, trong các bản đồ chính thức của Hàn Quốc và Triều Tiên, Hoàng Hải được gọi là Tây Hải (Seohae) còn Biển Nhật Bản được gọi là Đông Hải (Donghae). Có thể nói, cách gọi như vậy của Hàn Quốc và Triều Tiên chính là biểu hiện chủ quyền biển, không lệ thuộc vào Trung Quốc và Nhật Bản.
Không chỉ Việt Nam mà các nước Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Indonesia cũng không gọi vùng biển này là South China Sea trong các văn bản và bản đồ bằng tiếng Anh mà theo cách gọi riêng của họ. Và cũng đã có những đề xuất của nhiều nước, vùng biển này nên gọi tên chung là Biển Đông Nam Á (South East Asia Sea).
Cũng chính từ thực tế đó, Nhà nước cần có quy định chính thức về tên gọi của Biển Đông ra tiếng nước ngoài để sử dụng cho báo chí và các sự kiện quốc tế không chỉ do Việt Nam tổ chức. Một lần nữa, cũng phải khẳng định lại là từ nay về sau, các hội thảo quốc tế về Biển Đông do Việt Nam tổ chức phải thống nhất tên gọi là East Vietnam Sea chứ không thể sử dụng tên gọi theo thông lệ quốc tế. Chủ quyền của Việt Nam với Biển Đông cùng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Chính vì thế, tên gọi Biển Đông sang tiếng Anh với Việt Nam không thể là South China Sea.