Phát biểu trước Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương; nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị-an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh''.
Trước đó, vào tháng 3/2018, lễ ký kết Hiệp định CPTPP đã diễn ra tại Chile. Tham gia lễ ký có đại diện 11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Việc ký kết Hiệp định CPTPP đã thể hiện quyết tâm cao của 11 nước tham gia đàm phán nhằm đi đến một thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước. Hiệp định này không chỉ nhắm tới các vấn đề thương mại và thị trường, mà cả vấn đề pháp lý và thể chế, đòi hỏi cải cách, đổi mới trong quan điểm về thương mại, cũng như vấn đề pháp lý và hành chính, tạo cơ hội và động lực tích cực cho sự phát triển, cả về kinh tế và xã hội.
Với việc tiếp cận thị trường một cách toàn diện, bảo đảm sự dịch chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn và công nghệ thông qua việc cam kết cắt giảm hàng rào thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước, CPTPP được dự báo sẽ đem đến nhiều cơ hội mới cho sản xuất kinh doanh cũng như người lao động và tiêu dùng trong phạm vi các nước thành viên.
Bên cạnh đó, việc CPTPP chính thức được ký kết đem lại tăng trưởng kinh tế và lợi ích xã hội, tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp, góp phần nâng cao mức sống, lợi ích người tiêu dùng, giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng bền vững; thắt chặt tình hữu nghị và hợp tác giữa chính phủ và người dân của các nước ký kết.
Sau khi có hiệu lực, hiệp định CPTPP sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại thuộc hàng lớn nhất thế giới, với một thị trường lên tới 500 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu và chiếm 15% tổng thương mại toàn cầu. Cùng với đó, việc loại bỏ một số điều khoản của TPP, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong khu vực, CPTPP đang hấp dẫn các nền kinh tế khác trong khu vực như Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc).
Việc Quốc hội Việt Nam thông qua CPTPP đã hiện thực hóa những cơ hội mà Hiệp định này mang lại. GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. Với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động.
Ngoài ra, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp Việt Nam nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.
Tham gia CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Bên cạnh đó, CPTPP cũng tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tạo vị thế cho Việt Nam trong việc tiếp tục đàm phán các Hiệp định thương mại tự do khác.
Theo đánh giá của các chuyên gia, CPTPP mang đến cơ hội mở rộng thương mại đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ là Canada, Mexico, Chile và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh: "Đây là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, thêm việc làm cho người lao động, cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Đây cũng là cơ hội đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn của một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, xung đột và chiến tranh thương mại leo thang thì những cơ hội này càng quý giá", ông Lộc nêu rõ.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, tất cả mới chỉ là cơ hội. Bài học từ việc thực thi 10 FTA đang có đã cho thấy rất rõ điều này. Các FTA hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội nhưng phần lợi ích thực sự đạt được còn khiêm tốn. Riêng lợi ích từ ưu đãi thuế quan trung bình chỉ tận dụng chưa đầy 40% và chủ yếu thuộc về FDI, hơn 60% còn lại vì nhiều lý do khác nhau đã tuột khỏi doanh nghiệp Việt Nam.
Do có lợi thế thấp nên Việt Nam nhận được ưu đãi hơn khi thực hiện đàm phán lộ trình tham gia vào Hiệp định CPTPP. Việt Nam cũng thực hiện lộ trình cắt giảm các dòng thuế chậm hơn so với các nước, có thời gian chuyển đổi kéo dài hơn. Phần lớn các nước có cam kết cắt giảm tỷ lệ cho hàng hóa Việt Nam rất cao, ví dụ Canada 94%, Chile 95%, Nhật Bản 86%, thấp nhất như Mexico là 77%. Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam chỉ phải cắt giảm 66% sau khi tham gia. Các dòng thuế này có lộ trình 3 năm sau mới tăng lên 86%. Tham gia CPTPP cũng là một cơ hội rất tốt để Việt Nam giữ vững cam kết của thị trường 10 nước thành viên khác trong khối này. Kể cả khi CPTPP không làm tăng thêm GDP hoặc cơ hội việc làm thì vẫn cần thiết tham gia để Việt Nam giữ vững thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế.
Để nắm bắt tốt nhất cơ hội từ CPTPP, hạn chế những rủi ro, giúp nền kinh tế phát triển đúng hướng, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, cần tập trung vào hai vấn đề căn bản.
Thứ nhất, là thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, đảm bảo ổn định vĩ mô với việc chú trọng các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả. Đối với ngành công nghiệp, quan tâm các nội dung hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại, tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ hai là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh với sự chuẩn bị tốt về công nghệ, vốn, thông tin và khả năng kết nối với các doanh nghiệp FDI để đón đầu các FTA mới./.