Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ Luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 3 điều, trong đó có điều 25 về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan công an nhân dân.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt trình bày, tiếp thu chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, ý kiến đại biểu và để phù hợp với chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy trong công an nhân dân theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Ủy ban Thường vụ đã chỉ đạo rà soát, quy định số lượng vị trí từng cấp tướng; nguyên tắc, tiêu chí xác định vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng.
"Đối với đơn vị mới được hình thành sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy thì việc xác định cấp bậc hàm cấp tướng trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí và giao UBTVQH quy định", ông Võ Trọng Việt cho hay.
Cụ thể, tại điều 25 quy định, Bộ trưởng Bộ Công an có quân hàm đại tướng; thượng tướng là thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 6.
Trung tướng số lượng không quá 35 người, còn thiếu tướng số lượng không quá 157 người.
Trần quân hàm thiếu tướng được áp dụng đối với giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông. Tuy nhiên, luật quy định rõ số lượng không quá 11.
Ngoài ra, phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Công an TP.HCM cũng có trần quân hàm là thiếu tướng. Tuy nhiên, số lượng mỗi đơn vị không quá 3 người.
Điều luật này đã được 72,99% số đại biểu bỏ phiếu thông qua.
Chính quy hóa lực lượng công an xã
Một trong những điểm mới được thông qua tại luật Công an nhân dân (sửa đổi) lần này là đưa công an xã trở thành lực lượng thuộc tổ chức của công an nhân dân.
Giải trình về vấn đề này, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy phải có lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và đồng bộ với việc thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nhân sự, cơ sở vật chất, điều kiện chính quy công an xã, thị trấn.
Do đó, Luật đã giao Chính phủ quy định cụ thể việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.
Đối với lực lượng công an xã bán chuyên trách, sẽ tiếp tục được sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở để tránh lãng phí nguồn nhân lực tại chỗ.
Tuy nhiên, để bảo đảm khả thi, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn, Luật chỉ quy định có tính nguyên tắc về việc sử dụng, chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách, việc đào tạo, bố trí sử dụng cụ thể sẽ được thể hiện trong đề án và trong chương trình, kế hoạch thực hiện chính quy công an xã.
Luật Công an nhân dân sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1.7.2019.