Đánh giá của cộng đồng quốc tế
Tại Hội thảo về Giáo dục Việt Nam và kinh nghiệm xử lý khủng hoảng của Hoa Kỳ do Hội Hữu nghị Việt Nam — Hoa Kỳ TPHCM tổ chức tại TPHCM ngày 21/11, theo TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, những đánh giá của cộng đồng quốc tế hiện đang cho ra một bức tranh giáo dục Việt Nam sáng màu hơn rất nhiều so với đa số những gì người ta đang nghe thấy về giáo dục Việt Nam.
Nếu truy vấn thông tin về khủng hoảng giáo dục trên quy mô toàn cầu thì kết quả của cỗ máy tìm kiếm Google cho ra gần 600 triệu bài viết. Trong đó, có khoảng 500 triệu bài về khủng hoảng giáo dục ở Hoa Kỳ, 162 triệu bài về khủng hoảng giáo dục ở Nhật Bản và gần 300 triệu kết quả về khủng hoảng giáo dục ở Anh… Như vậy, tại các nước phát triển, con số bài viết về khủng hoảng giáo dục đều tính bằng hàng trăm triệu trở lên. Trong khi đó, ở Việt Nam con số tìm được mới khoảng 9,2 triệu.
Trên mặt bằng chung, bảng tổng sắp gần nhất của Liên Hợp Quốc về Chỉ số phát triển con người (HDI) đã ghi nhận rằng Việt Nam ở mức trên trung bình so với thế giới về Số năm bình quân đến trường/Thu nhập bình quân đầu người.
Ngoài ra, trong số 20 quốc gia có du học sinh nhiều nhất thế giới thì Việt Nam đứng thứ 9. Nhìn tổng quan có thể thấy số du học sinh của các nền kinh tế thịnh vượng luôn đông đảo hơn hẳn những nơi khác. Những nước mà du học sinh Việt Nam tìm tới cũng đa số là các nước phát triển. Có nghĩa là, khi được xếp vào nhóm nước có số du học sinh đông đảo thì đây chính là dấu hiệu tốt cho sự phát triển của quốc gia chứ không phải là hiện tượng "tị nạn giáo dục" như một số ý kiến quan ngại.
Chỉ số vốn con người theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy ở châu Á, Việt Nam tuy bị xếp sau các nước phát triển nhưng vẫn tương đương với Trung Quốc và xếp cao hơn tất cả các nước còn lại.
Bảng tổng sắp về Đổi mới sáng tạo của WIPO (Tổ chức Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Liên Hợp Quốc) cũng đưa Việt Nam vào vị thứ 45 trên tổng số gần 200 quốc gia. Nếu xét trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp thì Việt Nam còn được xếp thứ 2 toàn cầu.
Truyền thông chưa thực sự công bằng?
Việt Nam tất nhiên cũng không thể là ngoại lệ khi đã và đang có những hiện tượng không mong muốn diễn ra như chuyện gian lận thi cử, chuyện thất nghiệp của hàng chục nghìn cử nhân hay những ứng xử tiêu cực giữa thầy — trò với nhau… Nhưng lấy những hiện tượng cá biệt ấy để "vẽ" nên cả bức tranh của một nền giáo dục thì liệu có thực sự công bằng?
Vậy điều gì đang khiến truyền thông và xã hội có vẻ như "quay lưng" với nền giáo dục nước nhà? Mà ví dụ gần đây nhất là trước đề xuất của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về việc Luật Giáo dục đại học phải có cơ chế đào tạo riêng cho ngành y, với thời gian lên tới 9 năm, thì lập tức nhiều phản đối đã nổ ra. Dẫu vậy, không rõ trong số phản đối ấy có ai từng biết về câu chuyện bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) từng cho hay "phải học y khoa tới 12 năm" mới dám thừa nhận "có một ít khả năng để giúp đỡ bệnh nhân" hay chăng?
Một số giải thích của các chuyên gia tin rằng những thông tin xấu thường có hiệu ứng mạnh. Cũng như câu chuyện cá mập cắn người một thời "làm mưa làm gió" khắp các trang tin, khiến không ít cư dân địa phương và du khách khiếp hãi, thì dưới góc nhìn của các nhà phân tích lại khá phi thực tế, bởi "tính toán cho thấy xác suất để một người bị cá mập cắn thực ra nhỏ hơn rất nhiều xác suất người ta bị chính chiếc xe truyền hình đưa tin cá mập cắn người… tông phải!!!".
"Công bằng mà nói, việc giáo dục bị giảm sút niềm tin xã hội tất nhiên không chỉ do truyền thông chưa "tròn vai", mà một phần cũng do những tiêu cực từ các lĩnh vực khác đã làm nảy sinh hiệu ứng lây lan", GS. Nguyễn Minh Thuyết tâm tư.
Làm gì để vãn hồi niềm tin ấy? Rất cần tới sự chung tay của mọi người trong kiến tạo nền giáo dục nước nhà.