Bàn về triết lý giáo dục của Việt Nam, một số ý kiến cho rằng, có thể coi Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo là triết lý giáo dục, nhưng nhiều người lại nhận định, đã đến lúc chúng ta cần có một triết lý giáo dục rõ ràng, cụ thể hơn, và duy trì lâu dài, là kim chỉ nam để thiết kế, vận hành và điều chỉnh hệ thống giáo dục nhằm tạo ra kết quả là những con người mong muốn và thay đổi cả xã hội theo hướng đi ấy.
Trước hai luồng ý kiến như vậy, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thu Hương — giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, từ lâu các cụ đã dạy "Tiên học lễ, hậu học văn", đó là một dạng triết lý giáo dục.
Kết quả là dù số người học chữ ít, nhưng lễ nghĩa vẫn được giữ gìn qua năm tháng, tất nhiên đi cùng với đó là nhiều hủ tục.
Từ năm 1945, nước ta có giáo dục quốc dân, đa số mọi người được đi học và hướng tới trau dồi kiến thức; điều đó tạo ra những thế hệ có tri thức nhưng đồng thời tạo ra một bộ phận đề cao thành tích, học sinh học vẹt, thực hành kém, chữ "lễ" cũng ngày càng ít được gìn giữ.
Điều đó khác với triết lý giáo dục của Nhật, hướng tới đào tạo người phục vụ cho đất nước, chính vì vậy, đã tạo ra những lớp người cống hiến, nhiều người làm việc đến 200 — 300% sức lực của mình
Do đó, vị này cho rằng, Việt Nam chúng ta muốn xây dựng một xã hội như thế nào thì tập trung vào triết lý giáo dục ấy.
"Theo tôi ở Việt Nam, bên cạnh kiến thức và kỹ năng, giáo dục còn phải hướng tới mục tiêu tạo ra những con người thượng tôn pháp luật và tử tế. Khi mọi người tuân thủ pháp luật sẽ giúp xã hội lành mạnh, đi đúng định hướng, đạt tốc độ phát triển, tiến bộ như nhiều quốc gia khác. Khi đề cao thượng tôn pháp luật, sẽ không còn vấn đề thành tích không thực chất; đạo đức, tuân thủ pháp luật sẽ được đưa ra để đánh giá thay vì chỉ quan tâm tới tấm bằng đại học…Có thể thấy, hiện nay Việt Nam không còn nghèo, yếu kém không phải tiền, mà là văn hóa không theo kịp phát triển kinh tế. Chính vì vậy, coi trọng tuân thủ quy định pháp luật, cũng có nghĩa là đẩy hành xử văn hóa lên, gần như sẽ giải quyết, đẩy lùi nhiều cái ác, cái xấu trong xã hội", bà Hương nhận định.
Chính những người học sinh được yêu cầu tát bạn sẽ từ chối thực hiện mệnh lệnh của giáo viên khi mệnh lệnh đó vi phạm pháp luật.
Và bản thân người giáo viên cũng sẽ không dám thực hiện những hành vi xâm hại trẻ hoặc kích động bạo lực dạng này bởi tính nghiêm minh pháp luật đã giúp hình thành những người dân dám phản kháng, dám chiến đấu với cường quyền nếu có sự bất tuân pháp luật diễn ra ở đây.
Do đó, bà Hương cho rằng, muốn xây dựng triết lý giáo dục như vậy thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đưa ra mục tiêu giáo dục hướng theo triết lý. Các thầy cô vẫn dạy kiến thức, kỹ năng, nhưng đồng thời cũng giúp trẻ nhớ và tuân thủ pháp luật tốt hơn.
Ví dụ, hướng theo triết lý trên, trong thi cử, những hành vi gian lận sẽ bị phạt nặng; chắc chắn dần dần sẽ có những đứa trẻ thà thi trượt còn hơn quay cóp,…