Ngày 5/12, bên hành lang kỳ họp HĐND TP. Hà Nội, Giám đốc Sở VHTT Thành phố Tô Văn Động cho biết, Việt phủ Thành Chương, một trong những công trình vi phạm đất rừng ở huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội). Nhưng công trình mang tính văn hóa dân tộc và có thể được bảo tồn.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, luật sư Trần Hoàng Hải — Đoàn Luật sư TP. Hà Nội bày tỏ sự không đồng tình.
"Chúng ta sống và làm việc theo pháp luật nên phải đặt các quy định của pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Các công trình vi phạm xây dựng dù là gì thì cũng cần phải được xử lý công bằng, để tránh sự so sánh giữa vi phạm này với vi phạm khác" — luật sư Hải bày tỏ.
Theo ông Hải, rừng là lá phổi xanh của cuộc sống, việc vi phạm đất rừng có hệ thống đã ảnh hưởng đến môi trường của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Đây là vấn đề lớn khiến dư luận hết sức quan tâm. Nếu chỉ vì công trình đó mang tính văn hóa mà để cho tồn tại sẽ khiến cho không ít người cảm thấy bất bình.
Bản thân ông Hải cũng từng đến Việt phủ Thành Chương và công nhận đây là công trình độc đáo, được làm từ cái tâm, cái tầm của một con người yêu nghệ thuật và văn hóa dân gian. Nhưng vi phạm thì vẫn là vi phạm và cần phải được xử lý nghiêm theo quy định.
Video VTV về Việt phủ Thành Chương
"Các chủ công trình vi phạm khác sẽ lấy Việt phủ Thành Chương ra để so sánh. Từ đó, có thể sẽ gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm các công trình khác. Vì thế, để tạo tính răn đe thì cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm, dù tiếc đến mấy cũng phải xử lý như thế mới tránh trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai" — luật sư Hải nói.
Trong khi đó, một số luật sư khác lại cho rằng, việc phá dỡ Việt phủ Thành Chương chỉ là bước cuối cùng nếu như không có biện pháp nào khác khả thi hơn.
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội bày tỏ, vi phạm trật tự xây dựng ở TP. Hà Nội diễn ra ở nhiều nơi, có tiền lệ cứ xây trước rồi xin cấp phép sau, chịu mấy chục triệu tiền phạt là xong.
"Nói như thế để thấy rằng, không chỉ đến Việt phủ Thành Chương mới tạo ra tiền lệ xấu mà đây chỉ là công trình xuất hiện từ sự quản lý yếu kém của cán bộ quản lý các cấp. Nếu như quản lý tốt thì đã không có công trình vi phạm được xây dựng nên việc đầu tiên là cần xử lý nghiêm cán bộ làm sai" — luật sư này chia sẻ.
Mặc dù vậy, việc cho tồn tại công trình nhưng cũng cần phải xác định lại chủ sở hữu phần vi phạm đất rừng của Việt phủ Thành Chương.
"Theo tôi, nếu để cho tồn tại, nhà nước cần yêu cầu chủ đầu tư Việt phủ Thành Chương cam kết không tiếp tục vi phạm thêm, bảo vệ môi trường bằng cách trồng thêm nhiều cây xanh và để cho nhà nước cùng tham gia quản lý để đảm bảo tính khách quan, công bằng" — vị luật sư này kết luận.