Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đang củng cố tài liệu, mở rộng điều tra vai trò các bị can, đối tượng liên quan trong vụ bảo kê tại chợ Long Biên. Trước đó, ngày 5-12, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố 3 bị can, bắt tạm giam 3 bốc xếp là Dương Quốc Vương, Lê Thanh Hải và Nguyễn Mạnh Long (cùng trú tại Hà Nội) để điều tra về tội "Cưỡng đoạt tài sản".
Chậm phát hiện, xử lý
Cuối tháng 9-2018, Đài Truyền hình Việt Nam và Báo Phụ nữ TP HCM đã phản ánh về việc để có thể buôn bán, các tiểu thương chợ Long Biên phải đóng tiền bến bãi (tiền bảo kê) 200.000- 350.000 đồng/lượt. Thậm chí, có trường hợp phải đóng tiền bến bãi 100 triệu đồng/năm. Không đóng tiền, các hộ kinh doanh sẽ bị "khủng bố" bằng nhiều trò bẩn, cản trở làm ăn. Hai phóng viên thực hiện đề tài này đã bị nhắn tin dọa giết cả nhà.
Đối với những nghi vấn này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn đề nghị nếu có thông tin đầy đủ, chính xác về việc bảo kê của các cơ quan chức năng thì báo chí hãy cung cấp cho cơ quan công an. Ông Sơn cũng khẳng định vụ việc xảy ra tại chợ Long Biên là không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng thực trạng bảo kê cho vi phạm đang diễn ra công khai tại các bến xe, chợ đầu mối. Hoạt động này kéo dài nhiều năm nhưng không được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời.
"Vụ cưỡng đoạt tài sản tại chợ đầu mối Long Biên chỉ được xử lý khi dư luận và báo chí phản ánh" — bà Nga nhấn mạnh.
Đâu chỉ ngày một, ngày hai!
Trước những diễn biến phức tạp của vụ việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm đối tượng đe dọa phóng viên phản ánh vụ bảo kê ở chợ Long Biên.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tỏ ra rất băn khoăn trước việc thu tiền bến bãi ở chợ Long Biên diễn ra không phải chỉ ngày một, ngày hai nhưng chính quyền sở tại, lực lượng công an không phát hiện. Luật sư Hòe đặt nghi vấn có hay không sự bao che, buông lỏng và dung túng cho các vi phạm này của chính quyền địa phương, lực lượng công an và các cơ quan liên quan?
Vị luật sư này cho rằng dưới góc độ tiểu thương, họ lo ngại ảnh hưởng đến công việc buôn bán và bị nhóm đối tượng bốc vác đe dọa, thậm chí hành hung, nên buộc phải chấp nhận và không dám lên tiếng. Còn đối với lực lượng công an hay chính quyền địa phương thì phải có gì đó uẩn khúc mới để cho tình trạng bảo kê tồn tại trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận. "Cần phải làm rõ việc có hay không sự "chống lưng" của các cá nhân, tổ chức trong vụ việc này để xử lý nghiêm" — luật sư Hòe kiến nghị.
Trong khi đó, đại tá Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm — Học viện Cảnh sát nhân dân, bày tỏ ngạc nhiên khi chỉ một nhân viên của ban quản lý chợ nhưng lại có thể thao túng nhiều người đến như vậy. Ông cho rằng ở vụ việc này có sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của chính các cơ quan quản lý. Theo ông, đằng sau vụ việc có những vấn đề tiêu cực khiến các vi phạm khó "lộ sáng".