Theo các nguồn mở, phía Việt Nam đã đặt mua 5-6 tổ hợp tên lửa phòng không và 250 quả tên lửa cho chúng. Tuy nhiên, mới đây trên báo chí xuất hiện thông tin trích dẫn một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết rằng, xét theo mọi việc Việt Nam sẽ không mua thêm các tổ hợp tên lửa của Israel. Trước hết bởi vì thiết bị này không chịu đựng được khí hậu nhiệt đới độ ẩm cao và gặp nhiều trục trặc. Thứ hai, hầu hết các lần bắn thử với các tổ hợp này được thực hiện trong năm nay đều không thành công. Thứ ba, tổ hợp không tương thích với các hệ thống phòng không mà Nga đã cung cấp cho Việt Nam trước đây.
Không có gì bí mật, hệ thống phòng không hoạt động hiệu quả chỉ khi tất cả các thành phần của nó hoạt động trong một gói, "có tiếng nói chung trong các vấn đề kỹ thuật". Và hầu như không thể hoặc rất khó kết hợp trong một hệ thống các thành phần được sản xuất ở những quốc gia khác nhau. Trong trường hợp này, khó có thể đảm bảo độ tin cậy cao của toàn bộ hệ thống.
Theo chuyên gia quân sự Nga Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập của Tạp chí "Kho Vũ khí của Tổ quốc", quyết định của Việt Nam mua hệ thống phòng không Israel không phải là một sự lựa chọn tốt. Trong bài bình luận cho Sputnik, ông viết:
Tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER có thành phần rất đặc biệt. Radar — bộ phận riêng, bệ phóng — bộ phận riêng và các quả tên lửa — thích nghi với bệ phóng tên lửa không đối không trên mặt đất với đầu tìm ảnh hồng ngoại Python. Hệ thống tên lửa phòng không trên khung gầm ô tô không có đủ khả năng di chuyển trên địa hình mấp mô, rừng rậm, trên nền đất yếu không đủ sức chịu tải. Kết quả là, tổ hợp không có đủ tính năng cơ động. Một radar riêng cho toàn bộ tổ hợp không phải là giải pháp tốt nhất. Nếu radar bị triệt tiêu hoặc bị phá hủy, tổ hợp không thể hoạt động được. Ngoài ra, các phi cơ chiến đấu hiện đại có nhiều phương tiện để chống lại tên lửa phòng không có đầu hồng ngoại: mục tiêu giả (bẫy nhiệt), tổ hợp áp chế điện tử (President hoặc Vitebsk). Lực lượng không quân của các quốc gia láng giềng với Việt Nam đều sở hữu có các tổ hợp như vậy. Do đó, có vẻ như tính hiệu quả của hệ thống phòng không SPYDER trong điều kiện Đông Nam Á rất đáng nghi ngờ.
Cơ sở của hệ thống phòng không Việt Nam là các hệ thống của Liên Xô và Nga. Và Nga có loại hệ thống phòng không tầm ngắn hiện đại, có tính cơ động cao — hệ thống cùng lớp với SPYDER của Israel.
Ở đây nói về tổ hợp Tor-M2. Không ai sánh bằng Tor-M2 về khả năng chiến đấu, — ông Victor Murakhovsky nói. — Tổ hợp có thể dựa trên khung gầm khác nhau: có thể chạy bằng xích và chạy bằng bánh xe trên các địa hình. Mỗi tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M2 đều hoạt động độc lập. Nó có radar riêng và vũ khí hỏa lực (16 tên lửa phòng không dẫn đường), có tầm nhìn quang học hình ảnh nhiệt tự động theo dõi mục tiêu. Ngoài ra, Tor-M2 là hệ thống phòng không tự hành duy nhất trên thế giới có khả năng bắn "khi đang di chuyển" mà không cần triển khai đến vị trí bắn. Các tên lửa của nó có đầu đạn phát xạ bán chủ động hoàn toàn không phản ứng trước các bẫy nhiệt và máy phát laser là một phần của hệ thống phòng không của nhiều quốc gia. Phạm vi và độ cao tiêu diệt mục tiêu của tổ hợp Tor-M2 sánh được với SPYDER của Israel. Tuy nhiên, tổ hợp của Israel chỉ có thể phóng tên lửa trong một khu vực nhất định, còn tổ hợp của Nga - trong khu vực 360 độ; quả tên lửa được phóng lên theo chiều thẳng đứng và được dẫn hướng bằng radar bay tới mục tiêu".
Cuối cùng, theo chuyên gia Nga, radar của tổ hợp chiến đấu Tor-M2 có khả năng phân biệt bẫy radar và các mục tiêu thực sự. Điều này đã được xác nhận cả trong quá trình bắn đạn trên bãi thử nghiệm cũng như trong quá trình sử dụng tổ hợp Tor-M2 để bảo vệ căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở Syria.