Tất nhiên, sự kiện quan trọng nhất là cuộc bầu cử tổng thống Nga đã được tổ chức vào tháng Ba. Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin tái đắc cử với tỷ lệ phần trăm kỷ lục là 76,69% phiếu bầu. Và vào ngày 7 tháng 5 đã tổ chức lễ nhậm chức tổng thống, năm nay Vladimir Putin đến dự lễ từ phòng làm việc của ông ở Điện Kremlin. Điều đáng chú ý là Tổng thống đắc cử di chuyển trên lãnh thổ Kremlin trên chiếc limousine mới Aurus do chính Nga sản xuất, hiện nay ông sử dụng tích cực chiếc xe này. Ngay sau khi ông Putin nhậm chức tổng thống, các bộ trưởng trong chính phủ đã nộp đơn xin từ chức, đúng theo pháp luật Nga.
Những gương mặt mới trong Nội các
Năm nay việc bổ nhiệm các thành viên mới trong nội các bộ trưởng là một trong những chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất, trong hơn hai tháng sau lễ nhậm chức tổng thống, xung quanh quá trình này đã có nhiều đồn đoán và tin đồn. Kết quả là vào ngày 18 tháng 5, chính phủ đã được đổi mới gần một nửa. Ngoài ra, trong nội các bộ trưởng mới đã tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các bộ ngành.
Cuộc họp thượng đỉnh tại Helsinki là cuộc gặp đầu tiên và cho đến nay vẫn là cuộc gặp duy nhất có đầy đủ giá trị
Cuộc họp đầy đủ giá trị được chờ đợi từ lâu giữa các nhà lãnh đạo của Liên bang Nga và Hoa Kỳ, ông Vladimir Putin và ông Donald Trump đã được tổ chức vào tháng 7 tại Helsinki. Dù cuộc đàm phán không mang lại những đột phá quan trọng, nhưng vẫn đi vào lịch sử vì đã vượt quá một số kỳ vọng. Có lẽ câu nói của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov mô tả chính xác nhất kết quả cuộc họp: "tốt hơn siêu". Tại Helsinki hai bên đã đạt được thỏa thuận thực tế về một số vấn đề. Tuy nhiên, trên thực tế, các thỏa thuận này vẫn chưa được thực hiện: ngay sau khi Tổng thống Trump ở phía bên kia đại dương, các công việc nhằm thực hiện thỏa thuận này "bị đình trệ", và sau đó mối quan hệ song phương lại bị xấu đi. Sau khi hủy cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến vào ngày 11 tháng 11 tại Paris, hai bên đã quyết định tổ chức cuộc đàm phán ở Argentina bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. Tuy nhiên, vào giây phút cuối cùng Trump từ chối cuộc họp trực tiếp với ông Putin, kết quả là tại Hội nghị G-20, lãnh đạo của Nga và Hoa Kỳ chỉ có một cuộc trò chuyện ngắn.
Các biện pháp đáp trả
Một trong những đạo luật quan trọng nhất được thông qua trong năm 2018 liên quan đến phản ứng của Nga đối với các hành động không thân thiện của Hoa Kỳ và những nước khác. Theo văn kiện này, Nga có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt đáp trả những hành động không thân thiện của Hoa Kỳ và các quốc gia khác chống lại Liên bang Nga, các cá nhân và pháp nhân của Nga. Ngoài ra, trong khuôn khổ sự hợp tác liên nghị viện, Matxcơva đã nêu lý do Nga có thể tự rút khỏi PACE. Chủ tịch Duma Quốc gia Nga ông Vyacheslav Volodin không loại trừ khả năng Nga có thể tự rút khỏi Hội đồng Châu Âu. Ông nhấn mạnh rằng, phái đoàn Nga sẽ trở lại Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu nếu tại diễn đàn này "lương tri chiếm ưu thế".
Động lực mới cho sự phát triển quan hệ đối tác Nga-Việt
Năm 2018, Nga đã đón tiếp Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, sau đó ông kiêm nhiệm Chủ tịch nước, và Việt Nam đã đón tiếp Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Tại các cuộc gặp thượng đỉnh, hai bên đã phân tích chi tiết quá trình hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và vạch ra triển vọng mở rộng sự hợp tác song phương. Năm 2019 sẽ là năm hợp tác chéo giữa Nga và Việt Nam.
Khách Mỹ
Vào tháng 7 năm nay các thành viên Hội đồng Liên bang Nga và các đại biểu của Duma Quốc gia đã đón tiếp những vị khách được chờ đợi từ lâu — phái đoàn nghị sĩ Mỹ. Trong các cuộc trò chuyện, các đối tác Mỹ đã hứa với các đồng nghiệp Nga rằng, tương tác giữa hai quốc hội sẽ được nối lại và sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc họp định kỳ. Tuy nhiên, những kỳ vọng này không thành hiện thực: cuộc đấu tranh gay gắt trong chiến dịch vận động bầu cử ở Hoa Kỳ và việc thúc đẩy hội chứng bài Nga (Russophobia) đã làm phức tạp triển vọng hợp tác. Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko nói rằng, bà không tin vào sự tan băng trong quan hệ Nga-Mỹ cho đến khi ở Hoa Kỳ "thay đổi tình hình chính trị ".
Hoạt động nghị viện trong quá trình giải quyết vấn đề Triều Tiên
Đầu tháng 9, trong thời gian ở thăm Bình Nhưỡng, bà Matvienko đã có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và chuyển giao cho ông bức thông điệp của Tổng thống Putin. Hai bên đã thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, sự hợp tác kinh tế giữa Nga và CHDCND Triều Tiên trong điều kiện các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc, đã có các cuộc họp với các nghị sĩ Bắc Triều Tiên. Vào tháng 10, phái đoàn của Hội đồng LB Nga, do bà Matvienko dẫn đầu, đã đến thăm Seoul để thảo luận với ban lãnh đạo Hàn Quốc quá trình giải quyết tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Theo kết quả các chuyến thăm đó, các bên đã ký kết thỏa thuận tăng cường đối thoại liên nghị viện giữa Matxcơva, Bình Nhưỡng và Seoul để thúc đẩy quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên và thành lập nhóm hữu nghị đầu tiên trong lịch sử Nga giữa Hội đồng Liên bang Nga và Quốc hội CHDCND Triều Tiên.