Trong năm 2018, chứng kiến nhiều quan chức bị kỷ luật, đưa ra xét xử do liên quan đến các vụ việc tham nhũng, vi phạm pháp luật.
Việc nhiều quan chức vướng vào lao lý đã bộc lộ nhiều kẽ hở trong công tác nhân sự. Thời điểm này, Đảng ta đang chuẩn bị công tác nhân sự cho nhiệm kỳ 2021 — 2026 nên dư luận càng quan tâm làm sao để chặn đứng được những cá nhân kém năng lực, phẩm chất lọt lưới vào nắm giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng và nhà nước. Đó là những "bóng ma" trên vũ đài chính trị Việt Nam.
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng: "Khi cuộc chiến chống tham nhũng vào hồi quyết liệt đã bộc lộ ra hạn chế rất lớn trong công tác nhân sự.
Những trường hợp có dấu hiệu phạm tội từ trước nhưng vẫn lọt lưới vào quy trình nhân sự, vẫn được tín nhiệm cao, được giới thiệu để đĩnh đạc bước lên vũ đài chính trị đã lộ ra kẽ hở của công tác nhân sự".
Đại biểu Lê Thanh Vân băn khoăn:
"Vì sao những cá nhân yếu về năng lực trí tuệ, sa sút về phẩm chất đạo đức, nhưng vẫn "lọt lưới" để được cơ cấu vào các vị trí chức vụ quan trọng chẳng hạn như ông Đinh La Thăng?
Tại sao những sai phạm đó không được phát hiện kịp thời? Dư luận đã có từ trước, đã râm ran từ trước Đại hội Đảng lần thứ 11 và 12 nhưng ông Đinh La Thăng vẫn "thoát"?
Vậy, cá nhân, tổ chức nào đã hợp thức hóa con đường danh vọng, thăng tiến của ông Đinh La Thăng?
Hay, một người năng lực yếu kém, phẩm chất đạo đức sa sút như Trịnh Xuân Thanh man trá như vậy nhưng vẫn lọt lưới, được đi luân chuyển vẫn đường đường chính chính như những người đường hoàng khác và còn được lót đường rất chu đáo.
Phải là những người có quyền lực, những tập thể có lợi ích liên quan mới hợp thức hóa cho những cá nhân thiếu về năng lực, kém phẩm chất có con đường thăng tiến".
Ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh:
"Nếu như Đảng ta, vai trò đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà không quyết liệt, làm đến nơi đến chốn những vụ việc như vậy thì nguy cơ những con sâu mọt đó nắm giữ quyền lực lớn trong Đảng và nhà nước thì đất nước này, xã hội này sẽ đi đến đâu?".
"Đó là, hiện tượng bổ nhiệm nhân sự theo huyết thống (con ông, cháu cha, người nhà) vào các vị trí để thừa kế quyền lực, chiếm đoạt quyền lực công thành của riêng, cha truyền con nối.
Thực trạng mua tước, bán quan vì tiền, bất chấp mọi giá trị. Vun vén, hợp thức hóa đánh bóng những kẻ thiếu tiêu chuẩn về đạo đức, năng lực.
Rồi quan hệ đổi chác qua bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự. Người của anh thì tôi đưa vào đến lượt anh đưa người của tôi vào. Cuối cùng là đưa đệ tử điếu đóm, những kẻ luôn luôn trung thành, chăm bẵm, nâng giấc cho thủ trưởng để sau này những kẻ này tiếp tục nắm giữ quyền lực, hầu hạ, cung phụng cho mình".
Trước thực trạng đáng buồn trên, ông Lê Thanh Vân trăn trở:
"Nếu không đột phá vào yếu điểm này nguy cơ rất lớn sẽ tàn phá vào tính chính danh của Đảng cầm quyền, quyền lực công của nhân dân trao cho nhà nước".
Để ngăn chặn sự nguy hại khi công tác nhân sự để sổng những người kém năng lực, phẩm chất, ông Lê Thanh Vân hiến kế: "Cần phải rà soát lại các rào chắn — tức các quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước.
Vị này còn cho rằng:
"Cần có một cơ chế để giới thiệu, đề cử nhân sự là hiền tài cho Đảng và nhà nước.
Cơ chế đó phải ghi danh định nghĩa được nhân sự bằng định lượng ai là nhân tài và nhân tài trong các lĩnh vực một cách rõ ràng để dễ nhận diện.
Cần cơ chế khen thưởng, xử phạt đối với người giới thiệu nhân sự, giới thiệu nhân tài. Cá nhân, tổ chức nào giới thiệu được người tài cho Đảng, nhà nước thì được trọng thưởng.
Vị này nhấn mạnh rằng:
"Xử lý về vấn đề này phải nghiêm khắc như xử tham nhũng vì đây là hành vi tham nhũng về quyền lực. Thậm chí, tham nhũng quyền lực trong công tác cán bộ phải được xử lý nghiêm khắc hơn. Cần phải truy cứu, hồi tố bất cứ lúc nào".
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại