Từ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ…
Cùng với nhiều đơn vị khác trong toàn quân trong những năm qua Học viện Kỹ thuật Quân sự là một trong nhiều đơn vị đầu trong thực hiện nghị quyết 791 của Quân ủy Trung Ương, về lãnh đạo công tác khoa học công nghệ và môi trường trong quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Sau 5 năm thực hiện đã gặt hái được nhiều bước tiến mới phục vụ đắc lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Khi thực hiện nghị quyết 791, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã hướng công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học vào trực tiếp làm chủ vũ khí, trang bị khí tài.
Cùng với chủ trương hiện đại hóa các quân binh chủng và các lực lượng đã được trang bị vũ khí mới trong quân chủng hải quân, phòng không — không quân, thông tin, trinh sát kỹ thuật và tác chiến điện tử, từ đó hoạt động khoa học công nghệ đã hướng tới việc làm chủ và có những sản phẩm cụ thể.
… tới súng bắn máy bay không người lái (UAV)
Học viện Kỹ thuật Quân sự (HVKTQS) đã lần đầu tiên giới thiệu thiết bị cá nhân áp chế phương tiện bay không người lái (drone) mang tên CA18 do nhóm nghiên cứu thuộc bộ môn tác chiến điện tử của HVKTQS tự thiết kế và chế tạo.
Hiện nay tại Việt Nam các phương tiện bay không người lái đang được sử dụng khá phổ biến và khó kiểm soát, chính vì vậy đây cũng là một trong những mục tiêu bay tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, quá trình phát hiện và chế áp máy bay không người lái khi cần thiết còn gặp nhiều khó khăn, do hệ thống radar quân sự ở tầm cao nên không thể phát hiện được mục tiêu bay này.
Nếu sử dụng hệ thống soi quét thông thường bằng camera hay ống nhòm thì việc bắn hạ không thể thực hiện do các mục tiêu bay này thường có tốc độ bay cao.
Việc sử dụng súng bắn thông thường rất khó có thể bắn hạ mục tiêu do kích thước drone nhỏ và di chuyển nhanh.
Đặc điểm của thiết bị chế áp drone của HVKTQS là mọi phát hiện bằng mắt thường chỉ từ 300-500 mét tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, nên phạm vị chế áp tối đa của thiết bị này thường được xác định là 500m.
Việc hỗ trợ phát hiện bằng ống nhòm đối với một số trường hợp cũng rất khó khăn vì drone ở cự ly xa hơn 500m rất nhỏ đến ống nhòm cũng không phát hiện được, còn nếu dùng radar chuyên dụng để theo dõi các mục tiêu bay này thì chi phí sẽ rất lớn không kinh tế.
Do đó việc chế tạo các thiết bị cá nhân chế áp các phương tiện bay không người lái trong điều kiện hiệ nay là bài toán tối ưu.
Để hỗ trợ cho áp chế mục tiêu bay nhanh và chính xác hơn, thiết bị CA18 còn được tích hợp thêm cả thiết bị ngắm bắn điện tử.
Về cơ bản thiết bị CA18 có thiết kế gọn nhẹ, dễ mang vác cơ động, thao tác sử dụng đơn giản và hiệu quả cao, có hỗ trợ quan sát mục tiêu bằng ống nhòm quang học và phân tích phổ vô tuyến.
Với thiết bị này có khả năng chế tạo tín hiệu vô tuyến điều khiển, truyền hình ảnh và định vị vô tuyến của drone, như làm gián đoạn tín hiệu định vị và hình ảnh từ mục tiêu bay về thiết bị điều khiển bên dưới mặt đất.
Trong các tình huống cụ thể CA18 có thể sử dụng để buộc hạ cánh và thu giữ drone, buộc chúng bay về vị trị xuất phát để phát hiện đối tượng điều khiển bên dưới mặt đất. Chặn mục tiêu bay không cho bay vào mục tiêu đang được bảo vệ hoặc vùng cấm bay xung quanh mục tiêu cần bảo vệ.
Trong một số điều kiện, CA18 còn có thể chế áp cùng lúc nhiều mục tiêu bay trên một hướng.
Và quan trọng là thiết bị này đã được chế tạo thành công ở Việt Nam bằng chính những công nghệ có sẵn trong nước.
Từ thành công của thiết bị cá nhân chế áp điện tử các phương tiện bay không người lái CA18, rất hy vọng trong tương lai Học viện Kỹ thuật Quân sự sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển và cho ra đời nhiều thiết bị chế áp và hỗ trợ tác chiến mặt đất lên nhiều loại mục tiêu khác nhau.