Ngày nay, mỗi trường đại học đều có truyền thống riêng của mình cho Ngày Sinh viên. Chẳng hạn, tại ĐHTH Quốc gia Matxcơva, 25 tháng 1 cũng là sinh nhật của trường đại học nổi tiếng, vì vậy, hàng năm toàn thể sinh viên và các vị khách đều được chiêu đãi món rượu mật ong. Thứ đồ uống "đặc sản" này được nấu theo công thức cổ truyền và đích thân Viện sĩ Hiệu trưởng rót ra cốc vại trao cho học trò. Ở một số trường đại học tổ chức vũ hội và hòa nhạc, ở các trường khác — triển lãm nghệ thuật. Còn ở Vladivostok trong ngày này bổ sung nhiều kỷ lục về những trò nghịch oái oăm của sinh viên. Lễ hội diễn ra vào cuối kỳ thi mùa đông và các sĩ tử bây giờ có thể "bung lụa xả láng". Bù cho suốt năm, để đạt kết quả tốt, cần học hành cật lực, và nhiều sinh viên còn phải kiếm việc làm thêm, không chỉ để tích lũy kinh nghiệm mà bởi khoản học bổng rất "hẻo".
Có một bộ phim Nga khá nổi tiếng "Dễ dàng chăng khi ta còn trẻ?". Sửa soạn thực hiện phóng sự theo hướng chủ đề tương tự về đời sống sinh viên tại Nga, chúng tôi được xem một video clip đặc biệt do nhóm bạn trẻ chia sẻ trên Youtube.
Sau khi nhận học vấn đại học ở Nga, một thanh niên Việt Nam đầu quân cho công ty lớn ở Mỹ. Vừa rồi được tin anh lâm bệnh trọng, nhóm bạn trẻ Việt Nam — người đang tiếp tục ở Nga, người đã về nước lập nghiệp, ai đó chuyển học tiếp ở nước khác… đã cùng nhau làm một clip dành riêng, gửi cho chàng trai ở bệnh viện Mỹ những lời động viên cổ vũ. Cô gái mảnh dẻ xinh xắn chuyên viên kinh tế trẻ tuổi sẵn có visa Mỹ lập tức bay, lên đường vào chuyến công tác sớm hơn dự định để có thể đến tận nơi thăm cậu bạn. Bạn hỏi muốn thứ gì từ nước Nga thân thương, người bệnh nói nhớ món trứng cá đặc trưng. Và trong hành trang từ Matxcơva sang Mỹ còn có thêm món quà tặng chung đặc biệt nữa — thanh kiếm gỗ đồ chơi quen thuộc của trẻ em ở Nga, ghi những lời nhắn nhủ đầm ấm và tin tưởng của bạn bè, chúc chàng trai kiên cường chiến đấu với khí phách tráng sĩ, mau bình phục cho những cuộc hội ngộ ở quê hương…
Đều là sinh viên, nhưng các bạn trẻ sống ở Nga từ nhỏ, đi học trường phổ thông Nga như vậy có điểm xuất phát tương đối thuận lợi hơn những người bạn đồng trang lứa từ trong nước sang Nga học đại học. Do nắm vững tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ, số thanh niên này hầu như không gặp cản trở nào trong giao lưu. Môi trường xã hội Nga, thời tiết Nga, tác phong sống của người Nga…với các bạn trẻ người Việt này đều không xa lạ, thậm chí có người còn thấy tự nhiên thân thuộc như "của mình".
Còn với những sinh viên sang Nga sau khi tốt nghiệp phổ thông Việt Nam, ngôn ngữ là chướng ngại vật lớn nhất.
Nhóm bạn trẻ Vũ Nhật Minh, Nguyễn Đặng Ngọc Giao, Phạm Hồng Nhung, Lê Quang Trung cho biết những khó khăn mà họ vấp phải khi vừa đến nước Nga sau chuyến bay dài đầy háo hức. Hóa ra thời gian dự bị học tiếng là không đủ để có được lượng tiếng Nga cơ bản dành cho các chuyên ngành mà họ theo đuổi. Cũng từ đây kéo theo những hệ lụy khác nữa — rào cản ngôn ngữ gây khó cho việc kết bạn hay giao lưu với người Nga ("sau 9 tháng học tiếng, người hiểu bọn mình nhất vẫn là cô giáo dạy tiếng Nga"). Sinh viên Việt nắm ngữ pháp tiếng Nga khá chắc, nhưng luôn thua các bạn châu Phi chẳng hạn về khoản "bắn" tiếng Nga.
Cũng gặp vấn đề với tiếng Nga và giao lưu nhưng có trường hợp "không giống ai". Do khi ở Hà Nội học trường Quốc tế nên Nguyễn Thảo My sang MGIMO theo học hệ tiếng Anh. Tức là mọi thứ đều phải bằng tiếng Anh. Trong lớp có những sinh viên người Nga từng sống ở châu Âu, tiếng Anh khá, thế nhưng các bạn lại ít chịu nói thứ tiếng này, trò chuyện hay thậm chí hỏi bài thầy cô vẫn cứ dùng toàn tiếng Nga, thế là cô gái Việt Nam chỉ biết…cười, bó tay.
Từ mắc mớ về tiếng, đến khó khăn gần như hiển nhiên là khác biệt văn hóa. Rời quê nhà đến vùng đất mới, với nhiệm vụ học tập đầy thử thách, không ít sinh viên Việt Nam thấy hụt hẫng bi quan, nhất là trong nửa năm đầu, thậm chí cả những thanh niên từ nguồn Cử nhân tài năng cũng có người nản chí muốn về nước.
Đồ ăn Nga không hợp khẩu vị cũng là vấn đề. Mà trong ký túc xá trường Nga việc nấu nướng các món ăn quê nhà không giản đơn: thực phẩm Việt không sẵn, bếp chung cách xa phòng, mùi nước mắm gây phiền cho bạn nước khác… Nhìn chung các trường ở Matxcơva đều rất ngặt về phòng hỏa, có ký túc xá cấm dùng mọi đồ điện trong phòng, kể cả cái nồi nấu cơm bất ly thân…
Trong số các sinh viên từ Việt Nam sang, đánh giá về chi phí sinh hoạt ở Nga không đồng nhất. Thạc sĩ tương lai Đặng Quang Bính học chuyên ngành Chiến lược Logistic, trường ĐHTH Quản lý (GUU) thông báo: "Về đời sống thì chi phí sinh hoạt hàng tháng của một sinh viên như mình hạn chế trong tầm tối đa 200 USD, nhưng cũng đủ thoải mái, một phần nhờ biết tận dụng chính sách xã hội dành ưu tiên cho sinh viên — hầu hết giá dịch vụ, tàu xe, thuê phòng ở tại ký túc xá,… đều có thể xem là ổn". Nhóm các bạn từ trường ĐHTH Hữu nghị và Viện tiếng Nga Pushkin cho rằng mức giá cả ở Matxcơva là khá đắt đỏ. Trong khi đó, một nghịch cảnh "nỗi đau khổ không của riêng ai" với các sinh viên Việt Nam nhận học bổng là khoản tiền mong đợi ấy thường đến chậm, buộc họ phải vay mượn ("sang Nga rồi mà vẫn có những khúc "tháng ba ngày tám" đấy).
Bạn Đặng Quang Bính và Vũ Nhật Minh chỉ ra những bất cập khác với sinh viên Việt ở Nga: thời tiết mùa đông Nga khá khắc nghiệt.
"Trong năm, Nga chỉ có khoảng vài tháng là trời ấm dễ chịu, còn toàn lạnh, nghe kể chuyện mùa đông ở Matxcơva có những lúc xuống đến —25 độ C, có thành phố khác còn băng giá đến —56 độ C mọi người ở nhà đều khó hình dung, khiến những thanh niên đến từ xứ sở phương Nam nhiệt đới nhiều nắng thấy e ngại lúc phải ra đường", — bạn Bính nhận xét.
Và một nỗi niềm chung trong những ngày này là ôn thi trả thi trong tâm trạng nhớ nhà, nhớ quê hương nhân lên gấp bội, bởi ở Việt Nam đang sắp sửa đón Tết truyền thống với cảnh xum họp đầm ấm của gia đình…
Tuy nhiên, khó khăn có thể đếm trên đầu ngón tay, coi như thử thách với sức trẻ, còn thuận lợi thì nhiều và rất giá trị. Dù ở những trường lớp khác nhau, năm học khác nhau nhưng các sinh viên Việt mà nhà báo có dịp tiếp xúc đều chia sẻ ý kiến giống nhau về những "điểm +" khi học tập ở nước Nga. Đặng Quang Bính cho biết:
"Như mình thấy, người Nga hầu như tất cả đều rất thân thiện, cởi mở, có nếp sống lịch sự văn minh. Dù chẳng quen biết nhưng họ sẵn sàng giúp đỡ nhiệt tình nếu bạn gặp vấn đề và đề nghị hỗ trợ. Cơ sở vật chất và phương tiện giao thông ở thủ đô Nga được xây dựng và hoạt động hợp lý, ngay từ khi bỡ ngỡ mới sang mình cũng đã có thể sử dụng dễ dàng. Các khu vực rèn luyện thể chất, sân chơi công cộng dành cho cư dân phải nói là nhiều vô kể, ai cũng được hưởng miễn phí vào bất cứ lúc nào, chính nhờ vậy mà thể lực của mình từ khi sang Nga đã được cải thiện rõ rệt".
Vũ Nhật Minh tán đồng: "Đúng là các gói dịch vụ an sinh xã hội ở Nga rất tốt. Ở trường thì lưu học sinh nhận phòng trong kí túc xá với điều kiện tiện nghi chấp nhận được. Các bạn Nga thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ".
Với mục tiêu căn bản của các sinh viên là học tập, thì các chàng trai cô gái này đều cho nhận xét tích cực về điều kiện ở Nga để họ hoàn thành nhiệm vụ và mơ ước:
- Môi trường học tập hàn lâm, nguồn tài liệu dồi dào, các thầy cô giáo Nga luôn ân cần tận tâm truyền bá kiến thức. Nhiều giảng viên là tấm gương sáng về thái độ nghiêm túc say mê làm việc chuyên môn khoa học trong điều kiện vật chất chưa hẳn là sung túc đầy đủ.
- Chương trình đào tạo với khối lượng kiến thức cân đối, phương pháp giảng dạy cởi mở đa dạng hiện đại không giáo điều. Sinh viên luôn được tôn trọng và đối xử bình đẳng. Các thầy cô người Nga hay khen trò Việt chăm chỉ nghiêm túc.
Còn một điều các sinh viên Việt Nam rất tán thưởng là trong chương trình năm học có những kì nghỉ dài bố trí hợp lý, tạo điều kiện cho giới trẻ người nước ngoài du ngoạn tham quan những địa điểm rất phong phú và thú vị của nước Nga.
Một khẳng định chung nữa là "phong cảnh Nga đẹp tuyệt vời, kể cả vào mùa đông tuyết trắng". Và an ninh rất ổn, cứ xem kỳ World Cup 2018 thì rõ.
Vậy nên những ai muốn sang Nga học tập du lịch, hãy cứ yên tâm xách vali và lên đường!